Khi nông dân liên kết
Người khởi đầu và có công rất lớn cho việc hình thành sự liên kết này chính là ông Phạm Văn Lương (48 tuổi, ngụ tại thôn 7, xã Quảng Trị). Ông theo gia đình rời quê Nam Định vào xã Quảng Trị lập nghiệp từ năm 1986. Đến năm 1990, ông lập gia đình và ra riêng với số nợ là 5 chỉ vàng, vay mượn của anh em để mua đất trồng lúa. Lúc đó, lúa chủ yếu trồng bằng giống Ba - xe nên 6 tháng mới thu hoạch 1 vụ.
Để có tiền lo cho cuộc sống, ban ngày hai vợ chồng đi làm rẫy xa, mỗi đêm lại làm ruộng ở gần nhà. Sự cần cù và ý chí vươn lên đã giúp hai vợ chồng tạo dựng được cơ nghiệp khá vững chắc như hiện tại: 10 mẫu đất và đàn heo lúc nào cũng trên dưới 100 con.
Ông Lương cho biết: “Cây trồng thì mình chọn theo hướng trồng đủ loại để vừa lấy ngắn nuôi dài, vừa tránh rủi ro khi giá cả bấp bênh. Do đó, hiện tại, gia đình tôi vẫn duy trì trồng 5ha điều (đã chuyển đổi sang trồng điều ghép khoảng 1/2 diện tích), 2ha tràm, còn lại là trồng lúa và cây ca cao. Ngay cả khi ca cao mất giá, nông dân ở hầu hết các xã đều đã chặt bỏ, tôi vẫn duy trì. Bởi lẽ, nếu mình cứ chạy theo giá cả thị trường thì sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, trồng rồi chặt, chặt rồi lại trồng”.
Đối với việc chăn nuôi heo, từ năm 2013, ông bắt đầu đẩy mạnh việc chăn nuôi theo quy mô “gối đầu” trong chuồng khoảng 100 con heo vừa thịt vừa nái. Tuy nhiên, giá cám trên thị trường lúc này tăng cao nên người chăn nuôi gặp rất nhiều rủi ro và dễ bị thua lỗ. Bà Vũ Thị Tuất, vợ ông Lương, chia sẻ: “Mình không có vốn nên phải lấy cám thiếu của đại lý. Đến khi heo xuất chuồng thì mới đem tiền trả một lần.
Chính vì vậy, cám lúc nào cũng phải mua với giá cao, nhiều khi bán heo xong không đủ trả tiền cám. Điều này khiến hai vợ chồng cứ suy nghĩ mãi làm sao để có thể mua được cám “tận gốc”, không qua nhiều trung gian đại lý, để được hưởng giá thấp nhất”. Nghĩ là làm, cả hai vợ chồng bắt đầu lần tìm công ty cung cấp cám để đặt vấn đề. Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên cũng là trở ngại lớn nhất chính là phải mua với số lượng lớn, từ 10 đến 15 tấn/tháng, mới được hưởng giá của đại lý. Trong khi đó, mỗi tháng gia đình ông sử dụng nhiều nhất cũng chỉ đến 3 tấn.
Sau khi bàn tính, hai vợ chồng quyết định kêu gọi thêm một vài anh em hàng xóm cùng chung tiền để mua cám, nhưng đa phần họ đều không có vốn nên không tham gia. Đánh liều, vợ chồng ông Lương quyết định thế chấp ngân hàng 7 sổ đất để vay 650 triệu đồng mua cám. Có cám về rồi, vợ chồng ông đứng ra bán thiếu với giá gốc cho bà con trong thôn, không tính lãi. Từ 1, 2 người tham gia ban đầu, đến nay đã có khoảng 20 người cùng tham gia vào liên kết mua bán cám.
Bà Trần Thị Mận, một hộ nuôi heo ở thôn 7 (xã Quảng Trị), cho biết: “Gia đình tôi là 1 trong những hộ đầu tiên chia cám lại từ gia đình ông Lương. Tất cả những người lấy cám ở đây đều rất khâm phục hai vợ chồng ông. Ai có tiền thì trả trước lấy cám sau, còn ai không có thì lấy cám trước rồi bán heo trả tiền sau cũng được. Tất cả đều được tính giá bằng nhau. Cám được chia lại với giá gốc nên thấp hơn giá mua ở đại lý trước đây từ 25 - 30.000 đồng/bao”.
Khi được hỏi không tính tiền lời thì lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng, bà Tuất bảo: “Ban đầu, chúng tôi cũng nghĩ lấy thêm 5.000 đồng mỗi bao cám để trả lãi ngân hàng. Nhưng, sau khi tính toán, chỉ cần hưởng lợi từ việc chênh lệch giá cám thì đã dư tiền để trả lãi nên chúng tôi để giá gốc cho bà con luôn. Nếu chỉ tính mỗi bao cám thấp hơn 20.000 đồng so với giá đại lý thì mỗi con heo đã có thêm lợi nhuận 140.000 đồng (bình quân mỗi con heo ăn 7 bao cám là xuất chuồng). Số tiền chênh lệch này nếu cộng dồn cho cả đàn heo thì không phải lo đến tiền lãi ngân hàng”.
Hiện tại, mỗi tháng ông Lương lấy khoảng 10 - 15 tấn cám. Do lấy số lượng lớn nên ngoài được hưởng giá như đại lý cấp I, ông còn được trích thêm phần trăm và thưởng thêm tiền nếu doanh thu đạt cao. Cả tiền phần trăm và tiền thưởng, ông đều công khai và chia đều vào từng bao cám nên có lúc giá cám rẻ hơn đến 40.000 đồng/bao so với đại lý khác. Nhiều đại lý trong xã để tăng sức cạnh tranh đã phải đồng loạt hạ giá bán.
Điều khiến ông Lương trăn trở hiện nay là có rất nhiều hộ chăn nuôi muốn tham gia liên kết cùng ông, nhưng do số vốn có hạn nên ông không thể mở rộng thêm. Đồng thời, dù đã được mua “tận gốc” nhưng chưa thể bán “tận ngọn” vì vẫn thiếu sự liên kết đến nơi đến chốn. Do đó, việc hình thành một tổ hợp tác chăn nuôi lúc này là cần thiết để giúp nhau trong tiêu thụ sản phẩm và có thể tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 32.666 tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2013 (khai thác 16.405 tấn, tăng 7,8%; nuôi trồng 16.261 tấn, tăng 9,6%).
Theo các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện nay lượng cá sau khi đánh bắt vẫn còn phải bảo quản theo phương pháp truyền thống nên khả năng giữ lạnh thấp, ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Muốn khắc phục những hạn chế trên, cần áp dụng công nghệ và quy trình tiên tiến để bảo quản sản phẩm trên tàu cá.
Diện tích trồng cây thanh long đang phát triển với tốc độ nhanh, tự phát, không theo quy hoạch, đã làm phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý điều hành, chỉ đạo sản xuất, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đất trồng lúa và các loại cây trồng đặc sản truyền thống khác. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường...
Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ nhiều chương trình xây dựng thực phẩm sạch nhằm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nuôi tôm hùm lồng trên biển ở Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX và phát triển mạnh từ năm 2000 cho đến nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, cần phải có sự quản lý và quy hoạch một cách hợp lý nhằm đưa nghề nuôi có giá trị kinh tế cao này hướng đến sự phát triển một cách bền vững.