Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi con tôm phụ thuộc vào thương lái

Khi con tôm phụ thuộc vào thương lái
Ngày đăng: 29/10/2015

Nuôi tôm đạt kích thước theo yêu cầu của các công ty, người nuôi vẫn thua lỗ

Luẩn quẩn đầu ra

Vùng tôm Ngũ Điền (Phong Điền - Thừa Thiên Huế) hiện tại đã đưa vào thả nuôi khoảng 500 ha tôm thẻ chân trắng, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng nghìn hộ dân.

Thế nhưng, nuôi tôm đã khó, bán được con tôm càng khó hơn khi thị trường đầu ra gần như “vắng bóng” các doanh nghiệp thu mua.

Tại xã Điền Hòa, theo quy hoạch vùng nuôi tôm có tổng diện tích 56ha, trong đó của Công ty CP Trường Sơn 20ha, gần 10ha của nhóm hộ và 26ha chưa phân cấp cho người nuôi do chưa có nhu cầu.

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa khẳng định: “Tôm thẻ chân trắng của các nhóm hộ bắt đầu thả nuôi từ năm 2009 đến nay, gần như chưa từng bán cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Nguyên nhân chủ yếu do kích cỡ tôm nhỏ, quy trình nuôi không đảm bảo dẫn đến dư lượng các chất cấm trong tôm cao nên không được các doanh nghiệp chấp nhận.

Hiện tại, thị trường đầu ra của con tôm ở địa phương khoảng 90% bán cho tư thương Bé Thọ (bà Trần Thị Bé, xã Điền Hòa-NV) đưa ra Bắc, còn lại một ít tư thương ở Huế về mua nhỏ giọt mà thôi.”

Tiếp xúc với những hộ nuôi tôm mới biết, để bán cho các doanh nghiệp thu mua thủy sản trên địa bàn, các yếu tố về quy trình nuôi, thức ăn, lượng tôm gần như các hộ dân nuôi không đáp ứng được.

Ông Văn Công Phục (thôn 11, xã Điền Hòa) cho biết: “Vụ vừa rồi tui thả nuôi hồ 3.000m2, thu được 5 tấn, bán được 500 triệu đồng.

Khi tôm được 2,5 tháng thì gặp “sự cố” phải thu non nên size tôm chỉ đạt 100con/kg.

Trừ các chi phí thức ăn, tiền giống, tiền điện, thuốc men thì mới hòa vốn, chưa tính công cán.

Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp như Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam chỉ mua tôm size 50 - 60 con/kg thì không để đáp ứng được”.

Theo các hộ nuôi tôm, muốn bán cho doanh nghiệp đạt kích cỡ tôm lớn thì phải kéo dài thời gian nuôi, trong khi chi phí thức ăn “đội” lên rất lớn nên người nuôi dù bán giá cao hơn vẫn không có lãi.

“Khi tôm bị dịch bệnh, chậm lớn nếu kéo dài thời gian nuôi 1 tấn tôm “ngốn” hết 2 tấn thức ăn (giá hiện tại 35 triệu đồng/tấn), người nuôi cầm chắc thua lỗ” - ông Phục nhẩm tính.

Đạt được kích thước tôm phù hợp để bán cho doanh nghiệp đã khó, test dư lượng các chất cấm trong tôm còn khó hơn.

Thông thường, trước khi thu một tuần, doanh nghiệp như Công ty CP sẽ test tôm trong hồ nuôi, nếu đáp ứng yêu cầu thì đơn vị này sẽ mua, còn không thì phải chờ từ 7 - 10 ngày, người nuôi phải giảm dư lượng thuốc (chủ yếu các loại kháng sinh phòng trị bệnh), doanh nghiệp mới mua.

Nuôi tôm của các nhóm hộ theo quy trình VietGap cũng đang gặp khó khăn.

Hộ ông Văn Thanh Liêm được Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư tỉnh hỗ trợ 100% tiền giống, 50% thức ăn, thả nuôi 50 vạn con trên diện tích 2 hồ 5.000m2.

Khi tôm được 2,5 tháng gặp dịch bệnh phân trắng phải “bán non” cho tư thương Bé Thọ chỉ 82 nghìn đồng/kg.

Tính ra ông Liêm cũng không lãi được bao nhiêu.

“Bán cho Bé Thọ thì còn được vì khi tôm bị sự cố họ thu mua kịp thời, còn bán cho doanh nghiệp thì gần như người nuôi không thể” - ông Liêm khẳng định.

Cần nắm bắt kỹ thuật, quy trình nuôi

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải thừa nhận: “Hiện tại trên địa bàn thả nuôi khoảng 64,5 ha của 94 hộ dân.

Trong đó, có khoảng 30% bán cho Công ty CP, nhưng con số này cũng dao động tùy theo từng vụ tôm hàng năm.

Số còn lại chủ yếu được tư thương Bé Thọ thu mua với giá 110 - 120 nghìn đồng/kg.

Bán cho Công ty CP thường phải đảm bảo nhiều yếu tố về dư lượng chất cấm, size tôm, quy trình nuôi nghiêm ngặt nên người nuôi tôm thường chọn thương lái trên địa bàn”.

Theo người nuôi, để bán được cho công ty phải kéo dài thời gian nuôi để tôm đạt kích thước lớn, các loại chi phí khác cũng “đội” lên.

Ông Mai Minh Cảnh (thôn Hải Đông, xã Phong Hải) cho biết: “Vụ nuôi tháng 4 vừa rồi tui thả nuôi 50 vạn con trên diện tích hồ 3.700m2, nuôi trong 4,5 tháng thu được 5 tấn tôm.

Khi tôm đạt trọng lượng 57 con/kg được Công ty CP thu mua 134.000 đồng/kg, thu được 670 triệu đồng.

Trừ chi phí thức ăn hết 400 triệu, tiền điện 120 triệu, tiền thuốc 50 triệu, tiền giống 60 triệu, lãi chẳng được bao nhiêu”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền đánh giá: “Nuôi tôm trên địa bàn vùng Ngũ Điền đang gặp khó khăn đầu ra vì phụ thuộc vào các thương lái.

Đặc biệt, khi tôm gặp sự cố dịch bệnh thì chỉ có thương lái đứng ra thu mua.

Trong khi đó, để bán cho doanh nghiệp thì phải đầu tư nuôi theo quy trình, sử dụng thức ăn của họ, các dư lượng chất cấm trong tôm phải đảm bảo thì người nuôi cầm chắc thua lỗ”.

“Vấn đề đặt ra hiện nay đối với vùng nuôi chuyên tôm trên địa bàn tỉnh là chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, công ty với nhóm hộ nuôi nhằm có sự chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho người dân nuôi tôm bền vững.

Việc nắm bắt kỹ thuật, tuân thủ quy trình nuôi còn hạn chế dẫn đến tôm ít bán được cho các doanh nghiệp là điều dễ hiểu.”- Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh trăn trở.


Có thể bạn quan tâm

BasicGAP, An Toàn Và Dễ Áp Dụng BasicGAP, An Toàn Và Dễ Áp Dụng

Sau hơn 4 năm kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, diện tích cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn rất khiếm tốn, 65 tiêu chí kiểm soát bắt buộc phải thực hiện trong quá trình sản xuất trong khi giá bán sản phẩm không cao hơn khiến nông dân không mặn mà với quy trình này.

15/07/2014
Ồ Ạt Phá Rừng Nuôi Tôm Ồ Ạt Phá Rừng Nuôi Tôm

Việc người dân ồ ạt phá rừng phòng hộ ven biển để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường bị phá hủy. Người dân đầu tư quá lớn, nếu thương lái giở trò thì trắng tay…

24/02/2014
Hơn 01 Tỷ Đồng Mua Chlorine Để Xử Lý Môi Trường Ao Tôm Nuôi Hơn 01 Tỷ Đồng Mua Chlorine Để Xử Lý Môi Trường Ao Tôm Nuôi

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Văn Phong, phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành công văn số 803/UBND-NN ngày 18 tháng 3 năm 2014 về việc chấp thuận chủ trương phân bổ hơn 01 tỷ đồng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua dự phòng 30 tấn chlorine để phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản.

24/03/2014
Tăng Cường Kiểm Tra Chất Lượng Vật Tư Nông Nghiệp Tăng Cường Kiểm Tra Chất Lượng Vật Tư Nông Nghiệp

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 6 tháng qua, kiểm tra lấy mẫu 832 mẫu thủy sản nuôi, chỉ phát hiện 4 mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất vượt giới hạn tối đa cho phép tại khu vực Nam bộ, giảm so với năm 2013.

15/07/2014
Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Vịt Đẻ Trứng Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Vịt Đẻ Trứng

Trước đây cả gia đình anh Trần Văn Thắng ở khu trang trại Đầm Cói, phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, thời tiết thuận lợi được mùa thì cũng chỉ đủ ăn. Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì quanh năm chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời không biết đến khi nào mới thoát nghèo.

24/03/2014