Khan Hiếm Cá Tra Giống

Gần nửa tháng nay, giá cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng thêm 2.000 - 4.000 đồng/kg, lên mức 36.000 - 40.000 đồng/kg (loại 30 - 50 con/kg).
Nhiều người nuôi ở Tiền Giang cho biết, giá giống tăng là do giá cá tra thịt đang ở mức khá, trong khi nguồn cá giống khan hiếm hơn so với mọi năm.
Ông Nguyễn Văn Tỏ - nông dân ương cá tra giống ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết, cá tra giống có chiều cao thân 1,7cm (tương đương 50 con/kg) và 2cm (30 con/kg) là 2 cỡ cá giống được nông dân và doanh nghiệp chọn thả nuôi nhiều nhất. Hiện nay, cá tra giống giao tại ao loại 2cm/con có giá 36.000 - 37.000 đồng/kg; loại 1,7cm/con giá khoảng 40.000 đồng/kg.
Theo ông Tỏ, những đợt không khí lạnh kéo dài hồi đầu năm đã gây bất lợi cho hoạt động ương dưỡng cá tra giống, khiến dịch bệnh nhiều, tỷ lệ hao hụt rất cao, gây thiệt hại cho người ương cá.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Quốc Trí - chủ cửa hàng bán thuốc thú y thủy sản, cũng là thương lái thu mua cá giống ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy cho biết: “Do ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, dịch bệnh nhiều nên tỷ lệ ương cá tra giống thành công trên địa bàn chỉ đạt khoảng 3-5%, khiến lượng cá tra giống rất khan hiếm. Gần nửa tháng qua, tôi cũng không có cá giống để cung cấp cho các doanh nghiệp và người nuôi”.
Theo bà con, mỗi vụ ương cá tra giống kéo dài khoảng 2,5-3 tháng. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, kỹ thuật tốt thì tỷ lệ sống trong ương cá tra giống đạt khoảng 10%, tương đương 4 tấn cá giống/công, giá thành sản xuất bình quân 22.000 đồng/kg. Với giá cá tra giống như hiện nay, sau khi trừ chi phí người ương giống lời khoảng 60 triệu đồng/công. Tuy nhiên, không có nhiều hộ đạt được mức lợi nhuận này, thậm chí có hộ mất trắng do cá giống chết sạch.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, các hộ sản xuất, ương dưỡng cá giống trong địa bàn tỉnh đã cung cấp cho thị trường 71,7 triệu cá giống và 136 triệu cá bột các loại, trong đó có 18,7 triệu con cá tra giống; 10,5 triệu cá điêu hồng giống. Hiện toàn tỉnh có khoảng 272ha diện tích ương cá tra giống, giảm 25% so với năm 2012, cung cấp cho thị trường khoảng 208,4 triệu con giống, giảm 10% so với năm 2012.
Do ảnh hưởng sụt giảm từ hoạt động nuôi cá tra thương phẩm nên giá cá tra giống trong năm luôn ở mức thấp, vì vậy nhiều hộ ương cá tra đã chuyển sang ương nuôi các đối tượng khác, trong đó một số xã trọng điểm ương cá tra giống như Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) bà con đã san lấp 24,2ha ao để quay lại trồng lúa, hoa màu.
Có thể bạn quan tâm

Chuyện con bò tót “lạc đàn” về xã Phước Bình “gắn kết” với bò nhà sản sinh những con bê lai F1 “cường tráng” đang trở thành đề tài thời sự thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước.

Phân bón cho cây trồng nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng có thể qui tập vào những nhóm chủ yếu: phân hữu cơ (cả hữu cơ vi sinh); phân vô cơ (phân đa lượng, trung lượng, vi lượng); phân vi sinh vật. Phân hữu cơ và phân vô cơ đều cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhưng không thể thay thế cho nhau.

Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) mới đi vào hoạt động được một năm nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Nhìn cơ ngơi làm ăn bề thế của anh nông dân trẻ Phạm Văn Tiến ít ai ngờ nơi đây nguyên là vùng sỏi đá. Bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh biến đồi hoang thành những vườn nho bốn mùa cho trái ngọt và những thửa ruộng vàng thơm sắc lúa. Anh Tiến là điển hình tiêu biểu của lớp nông dân trẻ sinh trưởng sau mùa xuân 1975 năng động có kiến thức vươn lên làm giàu bền vững ở xã Nhị Hà.