Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Khấm khá nhờ trồng cỏ, nuôi bò

Khấm khá nhờ trồng cỏ, nuôi bò
Tác giả: TÂY LONG
Ngày đăng: 15/03/2016

Trước lúc cuộc họp của Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò thâm canh thôn Bắc Bình diễn ra tầm nửa giờ đồng hồ, trời bỗng đổ mưa tầm tã. Vậy mà, các thành viên trong CLB vẫn đội mưa đến góp mặt đông đủ. Sau khi điểm danh, ông Trần Viết Bỉnh, Chủ nhiệm CLB vui vẻ nói: “Khi mới thành lập, số người tham gia CLB chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, giờ thì chúng tôi có đến 60 anh em. Mỗi tháng, CLB họp từ một đến hai lần. Không chỉ thành viên CLB mà bà con trong thôn cũng thu xếp thời gian tham gia để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm ăn”.

CLB Chăn nuôi bò thâm canh thôn Bắc Bình được thành lập vào tháng 11/2012. Đây là điểm hẹn để nông dân địa phương chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Bên cạnh đó, CLB còn làm nhiệm vụ đầu mối liên kết giữa hội viên với nhà khoa học, doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Có lẽ nhờ tầm quan trọng ấy mà CLB Chăn nuôi bò thâm canh thôn Bắc Bình thu hút ngày càng đông hội viên. Họ tiên phong trong việc chuyển đổi đất hoa màu sang trồng cỏ, nuôi bò tập trung theo hướng thâm canh.

Thực ra, chăn nuôi bò vốn là công việc không mấy xa lạ đối với người dân xã Cam Tuyền nói chung và thôn Bắc Bình nói riêng. Tuy nhiên, người dân địa phương quen với phương thức chăn thả tự nhiên hơn là nuôi nhốt. Vì vậy, việc theo dõi, kiểm tra tình hình đàn gia súc khá khó khăn. Có thời điểm, một số hộ dân trên địa bàn phải ngửa mặt lên trời mà than khi chứng kiến trâu bò chết hàng loạt vì dịch bệnh. Mặt khác, do lượng thức ăn tự nhiên hạn chế nên đàn bò ở thôn Bắc Bình rất còi cọc. Một số hộ dân bắc đầu nản chí khi thấy công sức, tiền bạc bỏ ra để nuôi bò nhiều mà lợi nhuận chẳng đáng là bao.

Trong khi người dân thôn Bắc Bình đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế mới, cuối năm 2012, Trường Đại học Nông lâm Huế đã phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị và chính quyền xã Cam Tuyền triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi bò theo hướng thâm canh tại địa phương. Sau khi tiến hành khảo sát, các nhà nghiên cứu quyết định trồng một số loại cỏ cao sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng như: TD06, TD85, Mulato II… Đây là các giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng, năng suất. Theo tính toán, trung bình một sào cỏ sẽ cung cấp đủ thức ăn cho một con bò nuôi nhốt. Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ và chăn nuôi, Trường Đại học Nông lâm Huế còn hỗ trợ người dân giống cỏ, máy cắt cỏ, thức ăn tinh… Để mô hình nhanh chóng đi vào thực tiễn, các cán bộ tâm huyết còn vận động thành lập CLB Chăn nuôi bò thâm canh thôn Bắc Bình.

Được sự tiếp sức, người dân thôn Bắc Bình đã tập trung trồng cỏ nuôi bò ở vùng Rào Lấp và khu vực ven sông Hiếu. So với ngày đầu, đến nay, diện tích đất trồng cỏ tăng gấp năm lần. Người dân cũng mạnh dạn hơn trong việc mua con giống, đầu tư xây dựng chuồng trại. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp khoa học- kỹ thuật, bò nuôi sinh trưởng, phát triển nhanh, ít bị bệnh tật… Có thời điểm, đàn bò của thôn đã lên đến hơn 300 con, trong đó bò lai chiếm khoảng 70%.

Nhờ chăn nuôi bò thâm canh mà cuộc sống nhiều gia đình đã trở nên khấm khá hơn. Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Trần Đình Thạc chăm chút làm ăn mà vẫn không thoát nghèo. Hay tin về mô hình chăn nuôi bò thâm canh, vợ chồng anh quyết định vay vốn để triển khai. Hiện tại, đàn bò của vợ chồng anh Thạc sinh trưởng, phát triển rất tốt, cho thu nhập cao. Anh Thạc chia sẻ: “Với mô hình chăn nuôi bò thâm canh, chúng tôi tiết kiệm được thời gian, công sức chăm sóc và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Nếu tập trung vỗ béo, bò có thể tăng trưởng mỗi ngày một cân. Tính trung bình, với mỗi con bò, gia đình tôi có thu nhập bình quân 1 triệu/tháng”. Trong khi đó, nhiều hộ dân khác ở thôn Bắc Bình có thu nhập khá nhờ bán cỏ giống.

Anh Phan Văn Luận chia sẻ: “Ngày có càng nhiều thương lái đến thôn của chúng tôi để mua cỏ giống. Trước đây, bà con chỉ trồng cỏ để nuôi bò thôi. Thấy nhu cầu cỏ giống của thị trường tăng nên gia đình tôi cùng với nhiều hộ khác trong thôn mở rộng diện tích trồng để bán. Trong CLB, anh em cũng góp sức, góp giống trồng cỏ để gây dựng quỹ, phục vụ cho những công việc chung”.

Nhận thấy tín hiệu đáng mừng từ mô hình, người dân các thôn khác trên địa bàn xã Cam Tuyền cũng tập trung trồng cỏ, nuôi bò theo hướng thâm canh. Tiếng lành đồn xa, bà con ở nhiều xã lân cận tìm đến tận thôn Bắc Bình để học hỏi kinh nghiệm. Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết: “Qua thực tế, chúng tôi thấy chăn nuôi bò thâm canh là một mô hình bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ áp dụng mô hình này mà nhiều hộ dân ở thôn Bắc Bình cũng như các thôn khác trên địa bàn xã đã thoát nghèo. Tuy nhiên, điều đáng trăn trở là hiện nay việc bao tiêu sản phẩm vẫn chưa được thực hiện, giá cả bò bán ra phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn, các cấp, các ngành có phương án hỗ trợ để người dân gắn bó hơn với mô hình”.


Có thể bạn quan tâm

Nghệ An thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp Nghệ An thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

Lấy doanh nghiệp làm trọng, đến nay Nghệ An đã khâu nối và xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn, từ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng, hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất.

15/03/2016
Hoài Ân (Bình Định) khánh thành Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Hoài Ân (Bình Định) khánh thành Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao

Sáng 11.3, tại thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Thiết bị Phú Hưng tổ chức khánh thành Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao.

15/03/2016
Gia Lai khan hiếm nguồn thức ăn gia súc Gia Lai khan hiếm nguồn thức ăn gia súc

Trước tình trạng nguồn thức ăn tự nhiên của đàn gia súc bị suy giảm nghiêm trọng do hạn hán, nhiều hộ chăn nuôi ở các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai đã phải mua bột mì, cám gạo về pha loãng cho trâu bò uống cầm cự.

15/03/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.