Khắc phục tình trạng táo rụng quả
Hiện đang là thời điểm chăm sóc và thu hoạch táo ta đầu vụ. Tại nhiều vùng trồng táo đã có hiện tượng táo rụng quả hàng loạt khi sắp chín, quả táo rụng có hiện tượng mềm nhũn.
Táo rụng khi chín do nhiều nguyên nhân
Người trồng táo đang loay hoay vì khó chẩn đoán được nguyên nhân cũng như cách chữa trị. Xin phân tích nguyên nhân từng trường hợp để người trồng tham khảo và chữa trị tốt:
Hiện tượng quả táo bị mềm và rụng trước khi chín do nhiều nguyên nhân: Táo bị bệnh nấm hoặc do côn trùng tấn công vào quả trước khi chín sau đó nấm bệnh xâm nhập.
Nếu quả do nấm tấn công (táo bị bệnh): Trên quả táo bệnh sẽ có lớp mốc xám hoặc xám bao phủ và làm táo thối trước khi chín. Nguyên nhân do nấm Botrytis hoặc nấm Phytophthora xâm nhập. Người trồng cần kiểm tra và phát hiện sớm vết bệnh khi quả mới bị nham nhám vết thâm. Sử dụng một trong các loại thuốc: Mancozeb, Rhidomil hoặc Aliette để phun trừ và tuân thủ thời gian cách ly cho mỗi loại thuốc. Tốt nhất khi gặp thời tiết ẩm ướt(mưa hoặc sương ban đêm) nên phun thuốc Aliette phòng bệnh cho vườn táo sẽ có hiệu quả cao hơn.
Nếu táo bị mềm là do côn trùng gây hại thì chủ yếu là sâu hoặc ruồi đục quả.
Loài sâu gây hại có trưởng thành là loài bướm nhỏ hoạt động vào ban đêm thường đẻ trứng rời rạc ở gần cuống quả táo non. Sâu non nở ra có thân màu hồng, đầu nhỏ màu nâu, đục vào trong quả để ăn và làm thối quả khi gần chín. Tốt nhất phun thuốc diệt khi mật độ sâu cao lúc quả táo còn non sau đó phun lại lần nữa nếu thấy vẫn còn sâu.
Nếu táo bị ruồi tấn công thì khi táo rụng bửa ra sẽ có nhiều dòi bên trong. Nguyên nhân là do ruồi trưởng thành dùng máng đẻ trứng xiên vào trong da quả táo khi táo gần chín để đẻ. Trứng nở thành dòi làm hư hỏng quả. Các vết chích còn là nơi để nấm bệnh xâm nhập vào quả tiếp theo cũng làm quả táo bị thối hỏng rất nhanh.
Trong trường hợp này người trồng táo nên áp dụng biện pháp treo bả dẫn dụ để diệt trưởng thành trong vườn táo khi quả gần chín. Có thể dùng bả protein (Flykil 95 EC) hoặc thuốc dẫn dụ ruồi đực Ruvacon sẽ cho hiệu quả cao hơn phun thuốc, táo quả lại an toàn. Nếu không có bả sinh học người trồng táo có thể đào hố dưới đất dùng ổi chín hoặc dứa chín hay táo chín vứt xuống hố thu hút ruồi tập trung rồi phun thuốc diệt trừ. Không nên để vườn táo chín quá rồi mới thu hoạch.
* Chú ý: Thời điểm táo bắt đầu báo chín người trồng cần bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để táo quả vừa cứng chắc lại ngon ngọt và báo mã đẹp hơn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp quả táo ít bị sâu bệnh gây hại, hư hỏng trước và sau khi chín. Có thể bón phân kali + siêu vi lượng bằng cách cuốc đất sâu 20cm quanh tán rồi rắc phân bón, lấp đất và tưới ẩm.
Có thể bạn quan tâm
Táo có thể trồng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, riêng các tỉnh phía nam có thể trồng quanh năm, song tốt nhất là trồng vào mùa mưa
Trên lá, bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở mặt dưới lá trước sau đó mới lan dần. Khi mới xuất hiện đốm bệnh có hình tròn, màu xám xanh,
Táo xử lý đột biến như: táo 12 (ngọt), táo 32, táo Đào Tiên, đại táo 15 và giống ngoại nhập như: táo Đào Vàng, Lê Lai, Đào muộn, X12, táo Đài Loan...