Khá Lên Nhờ Tận Dụng Bờ Liếp Trồng Màu
Nếu như chỉ nghe giới thiệu, không nhìn tận mắt thì không ai tin trên vùng đất giáp biển như Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, lại phủ kín hoa màu trong suốt hai mùa mưa nắng.
Vừa chỉ tay về phía bờ đê, ông Nguyễn Hoàng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho hay: “Cả con đê dài 4 km được bà con tận dụng trồng hoa màu, vừa cho thu nhập khá, vừa giữ được thân đê và cảnh quan”.
Ông Lê Văn Sơn là một trong những lão nông đi đầu trong phong trào trồng hoa màu trên đất trống, trên bờ liếp của xứ biển Mỹ Bình.
Ông bộc bạch: Vợ chồng ông phiêu bạt từ xứ Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đến vùng đất này lập nghiệp từ năm 1982. Ban đầu gia đình sinh sống bằng nghề nuôi tôm và khai thác huê lợi từ rừng phòng hộ trên diện tích đất 4,5 ha. Sau cơn bão số 5 (năm 1997) gia đình ông có tới 9 nhân khẩu đã chuyển vào khu vực đê biển Tây sinh sống, cuộc sống chủ yếu nhờ vào con tôm, con cá.
Nhờ ý thức được sự nghèo khó, cả nhà chí thú làm ăn. Ông Sơn đã nghĩ ra nguồn thu nhập thứ hai và đến bây giờ là nguồn thu nhập chính của gia đình: trồng hoa màu trên diện tích đất bờ liếp, vuông tôm, thân đê.
Bà Bảnh, vợ ông Sơn, cho biết, mỗi năm, trung bình gia đình trồng 3 vụ rau màu và thêm 1 vụ cải bán vào dịp Tết Nguyên đán. Thương lái thu mua tận nhà với giá ổn định. Trung bình bí, khổ qua có giá từ 5.000-8.000 đồng/kg. Mỗi vụ mùa (3 tháng), gia đình bà thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Những lúc cao điểm, có ngày thu nhập 2 triệu đồng. Riêng liếp bí rợ, mỗi ngày bán bông cũng được trên 100.000 đồng.
Học tập từ mô hình của ông Sơn, đến nay cả xóm Mỹ Bình đã phủ xanh hoa màu trên đoạn đê dài 4 km.
Ông Nguyễn Hoàng Khoa cho biết, gia đình ông Sơn bắt đầu trồng màu từ năm 2000. Ban đầu trồng trên diện tích nhỏ, càng về sau ông tận dụng hết diện tích đất sân nhà, bờ vuông, triệt để không còn mảnh đất nào trống. Từ 3-4 năm trước, ông Sơn bắt đầu mở rộng diện tích đất trồng rau màu lên tới hơn 9.000 m2.
Ban đầu việc tưới tiêu rất vất vả, nhất là vào mùa khô. Chính vì thế gia đình đầu tư tiền khoan giếng nước. Có giếng nước, ông Sơn nối ống kéo dài hàng ngàn mét để tưới tiêu. Từ đó, hoa màu nghịch mùa cho thu nhập càng tăng. Mỗi mùa vụ, ông Sơn thu hoạch khoảng 2 tấn bí rợ, hơn 1 tấn khổ qua và hơn 2 tấn dưa leo, lợi nhuận sau khi trừ chi phí hơn 20 triệu đồng.
Từ việc chỉ trông chờ vào nguồn lợi thuỷ sản trên đất rừng phòng hộ, nay những lão nông như ông Sơn ở Mỹ Bình đã khẳng định được sức trù phú của vùng đất mặn. Hơn 30 năm gắn bó với vùng đất biển, gia đình ông đã thoát cảnh nghèo khó và là một trong những hộ có thu nhập cao ở Mỹ Bình.
Có thể bạn quan tâm
Khi “nhiễm bệnh” từ tác động bên ngoài, cây dó bầu tiết ra chất nhựa chống lại và hình thành một loại sản phẩm đặc biệt gọi là trầm hương. Căn cứ vào sự hóa nhựa nhiều hay ít mà có sản phẩm như trầm tóc, trầm hương hay kỳ nam. Do bị khai thác gần như tận diệt nên các phu trầm đã đem loại cây rừng này về trồng tại vườn nhà với kỳ vọng sẽ tạo được trầm từ chính bàn tay con người.
Sự phát triển đáng nể của ngành nông nghiệp trong hơn 2 thập niên qua, với hàng loạt mặt hàng nông sản top đầu thế giới cả về sản lượng, năng suất như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, khoai mì (sắn) khiến nhiều nước vừa kinh ngạc, vừa khâm phục.
Nhóm nghiên cứu đề tài “Xây dựng quy trình và mô hình quản lý tổng hợp sâu đục củ khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long” thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long và Bộ môn BVTV- Khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) vừa tổ chức hội thảo báo cáo công tác nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phòng trị sâu đục củ khoai lang, bước đầu cho nhiều kết quả khả quan.
Trong lúc nhiều nông dân ở ĐBSCL trồng lúa không có lãi do giá thành quá cao thì nhiều hộ dân ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và Phú Tân (An Giang)... cùng rủ nhau trồng lúa theo mô hình “một phải, sáu giảm” vì giúp giảm đáng kể giá thành, tăng thu nhập.
Mấy chục năm có mặt ở Đà Lạt, phương thức trồng dâu tây của nông dân vẫn không có gì thay đổi. Đó là trồng ở ngoài ruộng và nhân giống bằng cách tách thân bò và cây con từ cây chính để trồng lại. Sau nhiều năm, giống dâu tây phát sinh nhiều thứ bệnh như héo lá, đốm đỏ, vàng mép lá, đặc biệt virus xoắn lá làm giảm năng suất và phẩm chất trái dâu. Điều này buộc người nông dân ngày càng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn, đặc biệt là các loại thuốc diệt nấm.