Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

IPM tăng hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường

IPM tăng hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường
Tác giả: Hưng Giang
Ngày đăng: 11/03/2021

Việc áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất (IPM) giúp nông dân Vĩnh Phúc tăng hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp.

Ứng dụng IPM vào sản xuất giúp HTX tăng hiệu quả canh tác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng ruộng. Ảnh: HG

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc hình thành được những vùng chuyên canh sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung, quy mô lớn như dưa chuột An Hòa, su Su Tam Đảo, ớt quả Yên Lạc... Trong đó, quy trình VietGAP được hình thành và phát triển với diện tích trên 1.600ha. Tuy vậy, sản lượng rau an toàn và rau được cấp VietGAP mới đạt 25% tổng sản lượng rau toàn tỉnh (khoảng 40.000 tấn/năm).

Bên cạnh việc xây dựng các vùng rau an toàn theo quy trình VietGAP, việc tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân trong quản lý dịch hại tổng hợp là một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc quan tâm triển khai với những kết quả tích cực.

Vụ đông năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Phúc tổ chức 4 lớp IPM trên cây rau tại các huyện, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên, Tam Dương, Yên Lạc. Mỗi lớp có sự tham gia của 35 học viên là cán bộ nông nghiệp cấp xã, nông dân ở các địa phương.

Nội dung đào tạo có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng như điều tra phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, quy trình chăm sóc cây rau ăn lá, thí nghiệm trên đồng ruộng, thí nghiệm nuôi côn trùng, các biện pháp quản lý dịch hại, hạch toán kinh tế...

Với sự kết hợp giữa việc trang bị lý thuyết với thực hành trên đồng ruộng cùng các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, các lớp học IPM đã và đang giúp ích cho nông dân trong việc hiểu và nắm được về cách quản lý dịch hại, góp phần tăng hiệu quả sản xuất rau, hạn chế việc sử dụng hóa chất nông nghiệp trên cây rau, giảm ô nhiễm môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Chị Kiều Thị Huệ, Giám đốc HTX rau an toàn Vĩnh Phúc chia sẻ, HTX cũng phải đối mặt với những khó khăn do tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng ngày càng phức tạp, vì vậy, các lớp học IPM là cơ hội tốt để nông dân được trang bị kiến thức, trở thành những “chuyên gia đồng ruộng”, nắm vững kiến thức chăm sóc, bảo vệ phát triển ruộng đồng một cách hiệu quả, an toàn.

Nếu như trước đây, người dân vẫn duy trì thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngay khi phát hiện sâu bệnh, sau thời gian tập huấn, bà con sẽ đánh giá mật độ sâu, mức độ ảnh hưởng của sâu bệnh mới quyết định biện pháp phòng trừ thủ công hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng thời, cũng tùy theo mật độ sâu bệnh mà lựa chọn loại thuốc với mức độ phòng trừ khác nhau. Thêm vào đó, việc lạm dụng đạm urê trong sản xuất rau cũng giảm dần, thay vào đó là tăng cường các loại phân hữu cơ, phân chuồng. Nhờ vậy, không chỉ nâng cao được hiệu quả sản xuất mà còn hạn chế việc sử dụng hóa chất nông nghiệp trên cây rau.

Chị Huệ cho biết, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc đang thực hiện sản xuất đúng quy định về sản xuất an toàn theo VietGAP. Trên mỗi thửa ruộng đều được gắn bảng, biển hiệu nhận biết, cảnh báo phun thuốc để theo dõi, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm. Các thông tin về chăm bón, phun thuốc đều được cập nhật vào sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng để theo dõi và truy xuất khi cần thiết.

HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc đã thiết kế được logo, nhãn mác, bao bì, đăng ký mã vạch, mã số cho các sản phẩm của HTX. Được đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm: Rau, quả su su, mướp hương, bầu; được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau an toàn.


Có thể bạn quan tâm

Nguồn cung đậu tương của Brazil sẽ ổn định trở lại vào tháng 3/2021 Nguồn cung đậu tương của Brazil sẽ ổn định trở lại vào tháng 3/2021

Sự chậm trễ trong thu hoạch ngũ cốc ở Brazil, nước sản xuất đậu tương hàng đầu thế giới, đang khiến các nước nhập khẩu, dẫn đầu là Trung Quốc

09/03/2021
Chọn tạo thành công giống cà chua lai VT15 Chọn tạo thành công giống cà chua lai VT15

TS. Đoàn Xuân Cảnh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm và cộng sự vừa chọn tạo thành công giống cà chua lai F1 VT15.

11/03/2021
Giải pháp sinh học là yêu cầu tất yếu Giải pháp sinh học là yêu cầu tất yếu

Dù muốn hay không, việc đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sinh học là yêu cầu tất yếu trước bối cảnh mới của nền nông nghiệp nước ta.

11/03/2021