Hy vọng từ cá bống bớp
Với đặc tính thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên cá bống bớp hiện được thị trường rất ưa chuộng, thậm chí đã được xuất khẩu tiểu ngạch sang một số quốc gia lân cận.
Cá bống bớp thích hợp với vùng mặn lợ
Cá bống bớp là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh Nam Định. Tổng diện tích nuôi thả cá bống bớp toàn tỉnh hiện 300 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Nam Định sản xuất được 23 triệu con giống.
Cá bống bớp là loài nước mặn, được đánh bắt tự nhiên ngoài biển. Sau khi được người dân thuần hóa đã trở thành cá nước lợ. Với đặc tính khỏe, dễ nuôi, thị trường ưa chuộng nên đã nhanh chóng được người nuôi thủy sản vùng mặn lợ đưa vào nuôi đại trà ở nhiều huyện như Giao Thủy, Nghĩa Hưng… theo cách khai thác và thu mua con giống tự nhiên về nuôi thành cá thương phẩm. Hiện nay, nhờ việc đi tiên phong của một số hộ dân, với các biện pháp áp dụng kỹ thuật tiên tiến, nhiều hộ nuôi được cá đẻ trứng và tiến hành cho ấp nở nên nguồn cá giống rất chủ động.
Anh Trần Thanh Thùy, chủ Cơ sở sản xuất giống thủy sản Đức Thùy (Đội 2, Nông trường Bạch Long, huyện Giao Thủy) cho biết: “Cá bống bớp giống năm nay đạt chất lượng tốt, giá bán cũng cao hơn so nhiều năm trước. Người nuôi đã nhận ra những ưu điểm và giá trị kinh tế mà cá bống bớp mang lại nên nhu cầu con giống cũng cao hơn”.
Ngoài cơ sở Đức Thùy, Cơ sở sản xuất và thu mua cá bống bớp Sơn Nguyệt của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (Khu phố 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng) cũng rất nổi tiếng. Theo anh Sơn, thời gian đầu, người nuôi cá bống bớp của Nghĩa Hưng thường gặp khó khăn về nguồn giống, nhưng đến nay, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh đã chủ động nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo góp phần chủ động nguồn giống cho sản xuất của người dân. Hiện, anh Sơn đang sở hữu 3 trại sản xuất giống với công suất 10 triệu con giống/năm, trong đó vụ thu sản xuất 2 - 3 triệu con, vụ xuân hè 6 - 7 triệu con.
Bên cạnh thành công trong sản xuất giống, các hộ nuôi cá bống bớp thương phẩm ở Nam Định năm nay cũng vô cùng phấn khởi. Ông Vũ Mạnh Bằng (xã Nghĩa Bình, huyệ#n Nghĩa Hưng) vui vẻ cho biết: “Tôi nuôi cá bống bớp được hơn 10 năm nay nhưng có lẽ đây là năm thành công nhất. Từ đầu năm đến nay, điều kiện thời tiết rất phù hợp cho việc nuôi cá bống bớp thương phẩm, do đó đàn cá lớn nhanh, khỏe mạnh, không có dịch bệnh”.
Với giá trị dinh dưỡng cao, nhiều omega-3, thịt ngọt, dai và thơm, cá bống bớp đang dần trở thành một món ăn đặc sản. Nếu được giới thiệu và thị trường thế giới chấp nhận thì đây sẽ là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cá bống bớp mới chỉ phân phối tại thị trường nội địa và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
>> Việc “trúng đậm” nuôi thương phẩm và sản xuất cá bống bớp giống đã giúp người dân có thêm động lực để sản xuất. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm soát, tuyên truyền, tránh để người dân thấy lợi ồ ạt đầu tư mở rộng diện tích nuôi. Hơn nữa, cần làm tốt công tác phân tích thị trường để đảm bảo cung cầu hợp lý.
Có thể bạn quan tâm
Của đau con xót”, không ít hộ nhắm mắt vay mượn tiền đầu tư thức ăn “chăm” đàn tôm nhưng kết quả thu hoạch lại ôm lỗ hàng trăm triệu đồng.
Tình hình xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vẫn bình thường sau 1 tuần quyết định kiểm tra sản phẩm cá tra nhập khẩu từ Việt Nam của Cơ quan Thanh tra
Tôm được xác định là đối tượng thủy sản chủ lực, có nhiều tiềm năng phát triển, nên thời gian qua đã được các cấp chính quyền và người dân quan tâm đầu tư