Huyện Cư Kuin (Dak Lak) Tiêu Lại Chết Hàng Loạt!
Nếu như năm ngoái, nhiều hộ dân ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin - Dak Lak) vô cùng phấn khởi vì mùa tiêu trúng đậm thì năm nay, họ lại thấp thỏm lo âu vì hàng loạt vườn tiêu chết dần, chết mòn…
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 7, xã Ea Hu là một trong những hộ dân trồng nhiều tiêu nhất xã, năm trước vườn tiêu khoảng 800 trụ, cho thu hoạch được hơn 4 tấn hạt, thu lời hàng trăm triệu đồng, khiến cả nhà vui mừng, mong ngóng vụ mùa mới cũng sẽ bội thu. Nhưng mấy tháng gần đây, các trụ tiêu nhà chị cứ lần lượt vàng lá, thối rễ rồi cứ thế chết liên tục, mấy tháng mùa mưa này tiêu nhà chị đã bị chết hơn 100 trụ.
Cách khu vườn chị Thanh không xa, gia đình ông Hoàng Đức Đá ở thôn 7 cũng đang lao đao vì vườn tiêu - nguồn kinh tế duy nhất của gia đình đang tan nát dần. Mấy ngày gần đây, ông Đá không còn dám ra thăm vườn vì quá sốc. Hơn 3 sào tiêu mà gia đình chăm chút, mong mỏi giờ chỉ còn lơ thơ vài trụ, dù gia đình đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để cứu chữa vườn tiêu nhưng đành bất lực nhìn cây chết khô từng ngày.
Cũng như 2 gia đình trên, hơn 600 trụ tiêu của ông Cao Chánh Quyền đang ra quả non cũng bị vàng lá rồi chết dần chết mòn. Ông Chánh than thở: “Hiện tượng tiêu chết đã xảy ra từ năm ngoái, nhưng không ồ ạt nghiêm trọng như năm nay. Mấy tháng gần đây, gia đình tôi đã phải hạ xuống hơn 100 trụ tiêu bị chết yểu, chưa kể còn rất nhiều trụ đang ra quả non cũng có hiện tượng vàng lá và héo úa dần, khiến ước mong của gia đình giờ tan thành mây khói…”.
Mặc dù gia đình ông Quyền đã tìm nhiều loại thuốc phòng ngừa, hỏi thăm cách chữa bệnh cho tiêu, thậm chí nhờ các kỹ sư nông nghiệp tư vấn, nhưng tình trạng tiêu chết hàng loạt vẫn không được cải thiện.
Trên đây chỉ là ba trong số hàng trăm hộ dân thuộc xã Ea Hu đang từng ngày phải đối mặt với vườn tiêu bị lụi tàn dần mà chưa thể tìm được nguyên nhân. Theo quan sát, đa phần trụ tiêu bị chết do thối rễ, dây tiêu héo dần rồi úa vàng, sau đó rụng lá ồ ạt, dấu hiệu bị bệnh cho đến khi tiêu chết hoàn toàn chỉ diễn ra trong vòng 7 – 10 ngày.
Trong vườn chỉ cần một trụ tiêu bị bệnh thì nguy cơ lan sang các trụ xung quanh là rất lớn, tiêu ở độ tuổi nào cũng có thể mắc phải bệnh này.
Theo số liệu của Hội Nông dân xã Ea Hu, toàn xã hiện có khoảng 160 ha tiêu đang được nông dân đầu tư chăm sóc, trong đó có khoảng 100 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 30 tạ/ha, sản lượng 300 tấn trong niên vụ 2013 – 2014. Mấy năm gần đây người dân đang xóa bỏ dần diện tích cà phê, điều kém năng suất để phát triển hồ tiêu.
Đáng tiếc là bệnh vàng lá, chết nhanh ở cây tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu vì chưa tìm được nguyên nhân. Hội Nông dân xã chỉ biết khuyến cáo người dân không trồng tiêu ở những vùng đất thấp, dễ bị ngập úng trong mùa mưa nhằm tránh một phần thiệt hại do sâu bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, huyện Tháp Mười là địa phương có diện tích nuôi ếch lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với hơn 40ha. Ước tính, trung bình mỗi năm địa phương có thể cung cấp 5 ngàn tấn ếch thương phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người chăn nuôi phải liên tục lâm vào cảnh “được mùa mất giá”, khó khăn trong việc tìm đầu ra.
Ngày 7-3, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định số 587 công bố dịch cúm H5N1 tại huyện Vĩnh Cửu. Dịch xảy ra tại đàn vịt 5 ngàn con ở hộ chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Hương (xã Mã Đà) và đàn vịt 3.200 con của ông Nguyễn Mạnh Hùng (khu phố 7, thị trấn Vĩnh An).
Thời gian qua, tại xã Sơn Bình (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) nhiều hộ nông nhân đã thành công với mô hình nuôi nai.Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có đời sống khá giả.
Những ngày gần đây, liên tục có thêm các tỉnh, thành phố công bố xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm. Tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) nói riêng cũng như cả tỉnh nói chung, công tác phòng chống dịch đang được tích cực triển khai nhưng giá cả và sức mua mặt hàng này đã tụt dốc, khiến người nuôi lỗ nặng.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa" được Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa thực hiện trong giai đoạn 2012-2014. Sau thành công của mô hình trồng thử nghiệm trong vụ đông xuân năm 2012 – 2013, đề tài tiếp tục được mở rộng và đạt kết quả khả quan.