Hướng tới vụ thu đông 4,8 triệu tấn lúa
Được biết vụ thu đông 2016, Bộ NNPTNT có chủ trương tăng diện tích sản xuất để bù lại sản lượng của các vụ trước do nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn gây ra. Vậy kế hoạch triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Đúng như vậy, 6 tháng đầu năm 2016, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, các vụ đông xuân, hè thu đều giảm về diện tích, sản lượng. Do vậy, vụ thu đông 2016 Bộ NNPTNT đưa ra chủ trương tập trung tăng diện tích để bù lại sản lượng giảm sút trước đó.
Đối với diện tích khoảng 400 ngàn ha lúa thu đông chưa xuống giống tập trung nhiều tại các tỉnh ven biển ĐBSCL (Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre) là những tỉnh bị thiệt hại khi xâm nhập mặn sớm vào cuối vụ thu đông hoặc ảnh hưởng thời vụ sản xuất vụ đông xuân do vậy phải bố trí thời vụ thu đông thật chặt chẽ, kết thúc mùa vụ vào cuối tháng 8 để đảm bảo đủ thời gian cho sản xuất vụ đông xuân 2016-2017”.
Ông Nguyễn Văn Hòa
Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ thu đông 2016 vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến gieo sạ 867.300ha, tăng 24.160ha, năng suất 5,57 tấn/ha và sản lượng đạt trên 4,828 triệu tấn, tăng 220.303 tấn so vụ trước.
Đến thời điểm này tình hình triển khai vụ thu đông ở các địa phương như thế nào?
- Hiện nay các địa phương đã tích cực triển khai kế hoạch sản xuất lúa thu đông, lúa mùa năm 2016. Theo báo cáo của các Sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL, đến nay các địa phương đã gieo sạ được 410.000ha lúa thu đông, đạt 47% diện tích theo kế hoạch.
Đối với diện tích thu đông đã xuống giống theo kế hoạch tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, Hậu Giang cần tiếp tục thực hiện theo lịch thời vụ đã thống nhất, khẩn trương kết thúc kế hoạch sớm trong cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Đối với các tỉnh thuộc vùng phù sa ngọt cặp sông Tiền, sông Hậu gồm Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang cố gắng dứt điểm vào khoảng 20 tháng 8 Dương lịch. Còn ở vùng ven biển Nam Bộ như Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang cần căn cứ vào nguồn nước cung cấp cho sản xuất để bố trí xuống giống, không để trễ quá nửa tháng 9 sẽ ảnh hưởng đến thời vụ đông xuân 2016-2017 đối với vùng sản xuất 3 vụ.
Vụ thu đông, các địa phương cần tăng cường sử dụng giống chất lượng cao, giống lúa thơm, giảm giống lúa có phẩm cấp trung bình, thấp. Ưu tiên sử dụng giống lúa thơm Jasmine 85, RVT, VD20, Nàng hoa 9... và các giống lúa chủ lực xuất khẩu như OM4900, OM6976, OM5451, OM 7347.
Việc tăng diện tích vụ thu đông trên 24.000ha liệu có ảnh hưởng tới cơ cấu mùa vụ của các giống cây trồng khác?
- Hoàn toàn không ảnh hưởng gì cả, đây là điều rất tốt, diện tích vụ hè thu sau khi làm xong sẽ tiếp tục làm vụ thu đông. Bên cạnh việc tận dụng diện tích đất đai để tập trung sản xuất vụ thu đông, các tỉnh chủ yếu thực hiện các giải pháp thâm canh để tăng năng suất, sản lượng. Các địa phương cần chú ý các giải pháp làm đất để chống ngộ độc hữu cơ, đồng thời thực hiện tốt xuống giống, giảm lượng giống gieo trồng trên 1ha, trước đây sử dụng 180 – 200kg giống/ha, nay phấn đấu giảm xuống còn 80kg giống/ha để giảm chi phí sản xuất.
Vậy trong quá trình triển khai vụ thu đông các địa phương có gặp khó khăn và cần hỗ trợ gì không, thưa ông?
- Các địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con xuống giống, đồng thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật. Quan trọng nhất là không để chậm thời vụ, nếu chậm sẽ ảnh hưởng lịch thời vụ các mùa vụ sau.
Về nước tưới cũng không căng thẳng như vụ hè thu, tuy nhiên các địa phương cũng cần quán triệt nông dân tích cực tích trữ nước, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả nhất. Những hộ dân trước đây thiệt hại về vụ hè thu đang gặp khó về giống sản xuất vụ thu đông thì các địa phương đã có báo cáo gửi Bộ NNPTNT đồng thời kiến nghị hỗ trợ giống cho bà con. Bộ NNPTNT cũng quán triệt tinh thần sẽ hỗ trợ một phần giống để bà con yên tâm xuống giống vụ thu đông.
Để thực hiện tốt vụ thu đông, Bộ NNPTNT có khuyến cáo gì đối với các địa phương?
- Đối với vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm, việc mở rộng diện tích lúa thu đông 2016 phải đảm bảo không ảnh hưởng đến bố trí thời vụ đông xuân 2016-2017. ĐBSCL đang vào thời kỳ cao điểm mùa mưa, lũ nên cần thường xuyên theo dõi và điều tiết nước hợp lý, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi đối với các trà lúa mới xuống giống.
Các địa phương cần tích cực, chủ động theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh hại trên đồng ruộng; đối với diện tích lúa bước vào thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông cần giảm lượng phân đạm, tránh sử dụng đạm dư thừa dễ làm lúa nhiễm bệnh đạo ôn, ảnh hưởng tới năng suất lúa, khuyến cáo, cảnh báo về việc lưu tồn dư lượng nitrat, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt lúa khi sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật vào giai đoạn cuối của cây lúa.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Anh Phạm Anh Thạch, thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát (Bình Định) là điển hình của địa phương trong việc phát triển kinh tế vườn-ao-chuồng-rừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ đẩy nhanh chương trình dồn điền đổi thửa, trên địa bàn TP.Hà Nội đã hình thành nhiều cánh đồng sản xuất tập trung cho thu nhập cao, góp phần giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu. Được biết, hiện mức thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn của thành phố đã đạt 33 triệu đồng/người/năm.
Nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Nhiều nông dân phải sắm quạt để hạ nhiệt cho vật nuôi của mình.