Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Hướng Hiệp phát triển cây tràm lai

Hướng Hiệp phát triển cây tràm lai
Tác giả: Trần Tuyền
Ngày đăng: 09/02/2017

Từ bao đời nay, người dân xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông chủ yếu trồng các loại cây nông nghiệp như lúa, ngô, sắn… nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi dự án 661 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 về việc thực hiện trồng mới 5 triệu héc ta rừng, người dân nơi đây mới bắt đầu trồng rừng tràm, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Trong ảnh: Nhiều gia đình ở Hướng Hiệp có cuộc sống khá giả nhờ cây tràm lai

Đến nay, cây tràm đã trở thành một trong những loại cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hướng Hiệp. Xã Hướng Hiệp có 1.159 hộ gia đình, trên 5.000 nhân khẩu. Theo thống kê, tỷ lệ hộ dân trồng tràm chiếm khoảng 8090%. Toàn xã có tổng diện tích rừng tràm 194,7ha, trong đó 2 thôn trồng nhiều nhất là thôn Xa Vi và thôn Kreng. Anh Hồ Văn Đá, Trưởng thôn Xa Vi dẫn chúng tôi leo lên những quả đồi được phủ bạt ngàn một màu xanh ngút ngát của cây tràm lai. Vừa đi, anh Đá vừa nhẩm tính, toàn thôn hiện có 123 hộ, 499 nhân khẩu và nhà nào cũng trồng tràm. Cả thôn có khoảng 60 ha tràm lai, nhà nhiều nhất khoảng 5-6 ha, nhà ít cũng trồng 1-2 ha. “Lúc trước người dân chỉ trồng chuối, cây sắn, khoai và lúa nên đời sống khó khăn lắm. Đất đai cằn cỗi nên chỉ trồng được 1 vụ. Vì thế cứ đến mùa giáp hạt là lại thiếu lương thực. Sau khi được nhà nước vận động trồng rừng, người dân cũng có trồng nhưng còn lẻ tẻ lắm. Phải đến đầu năm 2004 thì dân mới tập trung trồng. Giờ ở đâu có đất trống là người dân tận dụng trồng rừng hết. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích đất khô cằn, trồng sắn và chuối không hiệu quả sang trồng tràm”, anh Đá chia sẻ. Gia đình anh Đá trồng gần 4 ha tràm lai giâm hom trên diện tích trồng sắn. Sau một vụ tràm, anh luân canh cây sắn rồi lại chuyển sang trồng tràm sau khi thu hoạch sắn nhằm hạn chế đất bạc màu. Ngoài tuyên truyền, vận động người dân tận dụng triệt để diện tích đất bỏ hoang, đất cằn cỗi bạc màu để trồng rừng, chính quyền địa phương còn hỗ trợ họ nguồn vốn vay, hướng dẫn về mặt kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn cho những người có nhu cầu.

Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm về nhà anh Hồ Văn Hằng ở thôn Kreng. Năm 2012, anh Hằng mua giống cây tràm lai ở Cam Lộ về trồng thử trên diện tích đất đồi phía sau nhà. Nhận thấy cây tràm lai phát triển rất tốt nên anh cùng người thân trong gia đình tích cực khai hoang đất để trồng rừng. Đến nay, gia đình anh có hơn 30 ha rừng tràm lai. Anh Hằng nói: “Trước đây, hầu hết người dân đều chưa biết đến cây tràm và hiệu quả mà nó mang lại. Nhờ có chính quyền các cấp hỗ trợ về kỹ thuật mà chúng tôi đã trồng thành công loại cây này. Lúc trước cây giống được một số tiểu thương vận chuyển lên bán. Để thuận tiện hơn trong việc chọn cây giống, nhiều người trong thôn về tận Cam Lộ, Vĩnh Linh… để mua giống tràm lai giâm hom. Giống cây này sinh trưởng rất nhanh, thân thẳng, ít cành và cho chất lượng gỗ tốt nên giá thành cao, trồng khoảng 4-5 năm là có thể khai thác. Mặc dù ở miền núi, đường sá đi lại khó khăn nên tiền công vận chuyện tốn khá nhiều nhưng sau khi trừ các chi phí thì vẫn có lãi. Nhờ có rừng tràm mà cuộc sống nhà tôi và rất nhiều hộ dân nơi đây khá giả hơn.Tôi nuôi được các con ăn học, xây nhà và mua ô tô cũng từ tiền bán gỗ tràm. Giờ trong xã, nhiều gia đình xây nhà mới, mua ô tô, xe máy lắm”. Anh Hằng cho biết thêm, để lấy ngắn nuôi dài, anh còn trồng thêm lúa nước, nuôi lợn thịt và đàn gà hàng chục con. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, cây tràm lai thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng nhờ rừng tràm như hộ anh Hồ Văn Thạch, Hồ Văn Đót, Hồ Văn Duy ở thôn Kreng; chị Hà Thị Học ở thôn Hà Bạc; ông Hồ Ra Ơi ở thôn Khe Van…

Trao đổi với chúng tôi về những định hướng phát triển rừng tràm trên địa bàn, anh Hồ Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp cho biết: “Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ, vận động, tuyên truyền người dân tích cực trồng rừng tràm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa để giúp người dân có nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên quê hương”.


Có thể bạn quan tâm

Tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu: Hướng sản xuất hiệu quả Tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu: Hướng sản xuất hiệu quả

Với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước sản xuất vào mùa khô gặp nhiều khó khăn, người dân đã tiến hành thử nghiệm mô hình tưới nước nhỏ giọt trồng tiêu

09/02/2017
"Thâm canh rừng" - Hướng phát triển lâm nghiệp hiệu quả

Việc tập trung thâm canh rừng sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người trồng rừng. Đây có thể xem là mô hình sản xuất tập trung có sự liên kết chặt chẽ

09/02/2017
Người dân Gio Mỹ thu nhập cao từ cây mướp đắng Người dân Gio Mỹ thu nhập cao từ cây mướp đắng

Bên cạnh các loại cây rau màu truyền thống như lạc, dưa gang, khoai lang... những năm trở lại đây, người dân xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh đã đưa cây mướp đắng vào

09/02/2017