Hướng đi mới trong nuôi tôm càng xanh
Mạnh dạn thay đổi cách nuôi, hiện nay, một số hộ dân tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, Cà Mau đã thành công khi thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong mùa khô.
Mô hình nuôi tôm càng xanh trong mùa khô
Thử nghiệm thành công
Tôm càng xanh là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất tại huyện Thới Bình cộng với nhu cầu tiêu dùng quanh năm, tuy nhiên, thời điểm thu hoạch tôm trên địa bàn huyện chỉ tập trung trong vòng 1 tháng (từ tháng 12 âm lịch đến tháng giêng năm sau), dẫn đến gia tăng áp lực lên thị trường và gây khó khăn trong khâu liên kết tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Là huyện có thế mạnh về mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa, trong những năm qua, Thới Bình đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình hiệu quả này; bước đầu chất lượng tôm càng xanh có nguồn gốc từ huyện đã được thị trường đón nhận tích cực. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là thời điểm thu hoạch chỉ kéo dài hơn 1 tháng, gây áp lực cho khâu tiêu thụ. Vì vậy, giải pháp nuôi tôm càng xanh rải vụ, trong đó hình thức nuôi vào mùa khô đã được ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo cho người dân trong những vụ nuôi gần đây”.
Từ những định hướng trên và tận dụng được đặc tính sinh học của tôm càng xanh khi có thể sống được trong môi trường có độ mặn lên đến 10 - 15‰, hơn chục nông dân tại xã Tân Bằng đã tìm tòi và mạnh dạn thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong mùa khô.
Tín hiệu sáng
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 10 ha nuôi tôm càng xanh trong mùa khô trên địa bàn xã Tân Bằng đã bước vào vụ thu hoạch. Ông Lư Thanh Điền (ngụ ấp Kênh 9, xã Tân Bằng), phấn khởi cho biết: “Sau khi thu hoạch vụ tôm càng xanh thả nuôi trong mùa mưa, với 1 ha tôi tiếp tục cải tạo ruộng nuôi, bơm nước ngọt vào ruộng để trữ lại và đến cuối tháng giêng âm lịch, với 20.000 tôm càng xanh giống, sau 6 tháng nuôi, thu hoạch trên 300 kg tôm, trọng lượng 20 - 25 con/kg, với giá 105.000 - 110.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tôi còn được lãi trên 30 triệu đồng”.
Cùng chung niềm vui “kép” khi được mùa - được giá, ông Lư Hải Đăng (ngụ ấp Tấn Công, xã Tân Bằng) thông tin: “Với 2 ha đất canh tác, khoảng cuối tháng giêng tôi thả 100.000 tôm giống càng xanh (loại hỗn hợp giới tính), đến cuối tháng 7 âm lịch, khi tôm có trọng lượng 20 con/kg tôi thu hoạch, sản lượng trên 1 tấn, giá bán dao động 110.000 -120.000 đồng/kg, tôi có lãi trên 90 triệu đồng. Không những thế, tôi còn có thêm nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng từ tôm sú và cua do nuôi ghép với tôm càng xanh”.
Theo ông Đăng, hai yếu tố quan trọng cần được chú trọng trong nuôi tôm càng xanh trong mùa khô đó là khâu cải tạo ruộng nuôi và trữ lại nguồn nước ngọt. Cụ thể, sau khi thu hoạch xong vụ tôm càng xanh trong mùa mưa, đến cuối tháng giêng cần phơi đầm, thuốc cá và lấy nước vào ruộng nuôi do lúc này nước có độ mặn thấp, dao động 6 - 7‰. Tiếp theo, diệt giáp xác gây hại cho tôm con và cấy men vi sinh kết hợp chế phẩm sinh học để tạo thức ăn tự nhiên trong ruộng nuôi. Sau 10 ngày thấy có ốc gạo thì tiến hành thả tôm giống. Khi tôm nuôi được hơn 2,5 tháng, cho ăn dặm bằng gạo lứt hoặc lúa ngâm để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho tôm. Trong suốt thời gian nuôi, cứ 15 - 20 ngày cần lấy nước từ từ vào ruộng thông qua lưới lọc để đảm bảo cung cấp đủ nước và tránh cho tôm bị sốc nước mặn, khi đó tôm sẽ chậm lớn và dễ bị chết; đồng thời, bờ bao phải giữ được nước để tránh bị rò rỉ nước mặn từ những ruộng nuôi tôm sú xung quanh.
Theo ông Lê Thanh Hùng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thới Bình, để mô hình nuôi tôm càng xanh trong mùa khô đạt hiệu quả thì hộ nuôi cần phải có mương bao vững chắc, có ao trữ nước để cung cấp nước ngọt trong mùa khô. Mặt khác, nếu nuôi ghép tôm càng xanh với các đối tượng thủy sản khác như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua… cần lưu ý mật độ thả nuôi phù hợp, tránh hiện tượng cạnh tranh thức ăn giữa các đối tượng nuôi này.
>> Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết: “Nuôi tôm càng xanh trong mùa khô tuy bước đầu hiệu quả nhưng còn tiềm ẩn rủi ro do phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi; đồng thời, khuyến khích những hộ nuôi liên kết lại và ký kết hợp đồng thu mua, nhằm ổn định đầu ra”.
Có thể bạn quan tâm
Ozone (O3) là chất có khả năng oxy hóa cực mạnh, hơn Clo nhiều lần, nhưng lại không bền vững nên chỉ có thể sản xuất và dùng ngay tại chỗ.
Thành công với mô hình nuôi cá bông lau - loài cá đặc sản có cái miệng rộng. Năm 2018 này, gia đình ông Kiệt thu khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi từ nuôi cá bông lau.
Giá cá bớp thương phẩm tăng cao đã giúp nhiều hộ dân nuôi cá bớp ở huyện đảo Lý Sơn có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống.