Hướng đến nuôi tôm hai và ba giai đoạn
Trong điều kiện nuôi tôm trên cát thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ, ngành nông nghiệp đang hướng người dân chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bằng ao tròn, hai và ba giai đoạn.
Vùng cát ven biển Ngũ Điền và nhiều địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh nói chung được xác định có tiềm năng lớn để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 400ha đã đưa vào thả nuôi trong tổng diện tích quy hoạch trên 800ha. Trong đó, diện tích nuôi lớn nhất là vùng Ngũ Điền với diện tích trên 300ha.
Từ khi xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi, tôm xảy ra dịch bệnh triền miên, mô hình ao nuôi tôm thông thường diện tích lớn từ 2.000 – 3.000m2/hồ đã cho thấy không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Hơn nữa, một phần người dân không chấp hành quy hoạch, quy định về quy trình nuôi tôm phải có ao xử lý nước cấp, nước thải cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tôm dịch bệnh ngay sau khi thả nuôi.
Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp phối hợp với một số địa phương ở Ngũ Điền nuôi tôm chân trắng trên cát thí điểm bằng ao tròn công nghệ cao, hai và ba giai đoạn. Từ vài vụ nuôi đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhờ diện tích ao nuôi nhỏ, hẹp chỉ 500 – 1.000m2 nên dễ kiểm soát, xử lý môi trường, dễ chăm sóc tôm trong quá trình nuôi. Tất nhiên điều bắt buộc nuôi tôm công nghệ cao là phải đầu tư lưới che mặt ao hồ, các thiết bị ô-xy, lọc nước, kiểm soát môi trường, dịch bệnh, chất thải trong ao nuôi… một cách bài bản.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi cho rằng, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tôm chết “bất thường” như lâu nay, việc thay đổi quy trình kỹ thuật nuôi tôm, chuyển từ nuôi một giai đoạn sang nuôi hai và ba giai đoạn gần như là điều tất yếu. Đây được xác định là giải pháp hướng đến nuôi thủy sản bền vững, an toàn sinh học, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững và ổn định cho người nuôi.
Mô hình nuôi tôm ao tròn, hai và ba giai đoạn
Để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nuôi tôm thẻ chân trắng về nguồn giống tôm và kỹ thuật ươm để chuyển đổi sang các hình thức nuôi hai và ba giai đoạn, cuối năm 2023 từ nguồn kinh phí sự nghiệp, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện mô hình “Ươm giống tôm thẻ chân trắng”. Mô hình được thực hiện với quy mô 0,1ha tại hộ ông Lê Đình Thiệt ở xã Điền Hương (Phong Điền).
Trung tâm Khuyến nông tiến hành thả giống cho hộ thực hiện mô hình này với số lượng một triệu con giống tôm thẻ chân trắng P12, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua giống và hộ thực hiện mô hình đối ứng 50% kinh phí. Giống tôm thẻ chân trắng cung cấp đảm bảo số lượng, chất lượng và đầy đủ các hồ sơ giống theo đúng quy định.
Sau hơn 45 ngày ươm, tỷ lệ tôm sống thu được trên 60%, trọng lượng trung bình 500 con/kg và tiến hành nghiệm thu mô hình. Sau khi mô hình ươm kết thúc, hộ nuôi tiến hành san giống ra các ao nuôi để tiếp tục nuôi thương phẩm.
Yêu cầu đặt ra với công nghệ nuôi tôm bằng ao tròn, hai và ba giai đoạn thì ao nuôi tôm thịt có diện tích từ 500 đến 1.000m2, trang bị một máy UV (khử trùng, diệt khuẩn), có hệ thống ô-xy, hố xi phong và các điều kiện cơ bản khác phục vụ cho nuôi tôm công nghệ cao. Hố xi phong là công nghệ làm sạch đáy ao bằng cách hút những chất thải, vỏ tôm, thức ăn thừa… ra khỏi ao nuôi với tần suất từ 2-3 lần/ngày. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm tăng hiệu quả nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghệ cao.
Thời gian ươm nuôi tôm giống giai đoạn một từ 20 đến 30 ngày theo công nghệ Biofloc. Đây là công nghệ, điều kiện bắt buộc trong việc tập hợp các vi khuẩn, tảo, động vật nguyên sinh được tổ chức lại với nhau trong một hỗn hợp cùng với các chất hữu cơ dạng hạt nhằm cải thiện chất lượng nước, xử lý chất thải và ngăn ngừa dịch bệnh trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh.
Trong giai đoạn 20 ngày ươm giống tiến hành cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi thông qua hệ thống lắng lọc và qua máy UV. Sau đó, chuyển tôm nuôi từ ao ươm sang ao nuôi (có thể kéo hoặc xả ống), giai đoạn này chuyển sang quy trình công nghệ UV. Đặt máy UV từ ao lắng cấp vào ao nuôi theo định kỳ 5 đến 10 ngày thay nước một lần. Trong quá trình nuôi phải dùng máy UV đặt trực tiếp vào ao nuôi chạy diệt khuẩn và lọc tảo. Định kỳ xi phong đáy ao mỗi ngày, giai đoạn tôm về size lớn, xi phong hai lần mỗi ngày và sử dụng khoáng tạt, vôi CaCO3, thay nước… định kỳ.
Ông Lê Đình Thiệt ở xã Điền Hương chia sẻ, nuôi tôm công nghệ cao bằng ao tròn, hai và ba giai đoạn bước đầu cũng bắt gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, nhất là khâu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, qua một thời gian nuôi thì việc nắm bắt và ứng dụng các công nghệ khá thuận lợi, không quá khó như ban đầu.
Ưu điểm của nuôi tôm bằng ao tròn, diện tích nhỏ, với sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc trong quản lý, xử lý môi trường, chất thải trong ao… nên đỡ tốn công chăm sóc. Tỷ lệ tôm hao hụt rất thấp, tôm phát triển nhanh và cho năng suất, kích cỡ tôm lớn, đặc biệt ứng dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và có thể xuất khẩu khi nuôi diện tích, sản lượng lớn hàng hóa.
- Oxy hoà tan cao
- Tạo dòng mạnh, xi phong tốt
- Ưu điểm:
+ Tiêu thụ điện năng thấp
+ Tiêu chuẩn ISO-9001
+ Chất lượng vượt trội
- Ứng dụng:
+ Nuôi tôm thâm canh
+ Nuôi tôm trong nhà
+ Hệ thống ương nuôi tôm
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng mạnh ngay từ tháng đầu năm 2024, có thể khiến Ecuador giảm xuất khẩu tôm sang khu vực Đông Á do phải chịu áp lực.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm đáng kể trong năm 2023 nhưng đang có cơ hội phục hồi trong những tháng đầu năm nay.
Mô hình kết hợp năng lượng mặt trời với nuôi tôm ở Bạc Liêu không chỉ góp phần giảm chi phí và phát thải CO2.