Hướng dẫn đặt bẫy bả chua ngọt tiêu diệt sâu keo mùa thu
Sử dụng bẫy bả chua ngọt để để dẫn dụ và tiêu diệt con trưởng thành của sâu keo mùa thu là một biện pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trong Quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020.
Cơ chế hoạt động của bẫy bả chua ngọt
Mùi chua ngọt của dung dịch bả hấp dẫn trưởng thành sâu keo mùa thu và các loài thuộc giống Spodoptera (sâu keo) đến ăn thêm trước khi giao phối, đẻ trứng, thuốc BVTV làm cả trưởng thành đực và cái ngộ độc chết.
Chọn các thuốc BVTV trừ sâu bộ cánh vảy, có tác dụng vị độc, không hoặc ít mùi sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Cách làm bẫy bả chua ngọt
Nguyên liệu (cho 1 ha với 2-3 lần bổ sung bả)
- Mật mía (hoặc rỉ mật, đường phên): 40% (4 lít)
- Dấm (tốt nhất là dấm hoa quả): 40% (4 lít)
- Rượu trắng: 10% (1 lít)
- Nước sạch: 10% (1 lít)
Trộn và ngâm ủ
Cho các loại nguyên liệu trên vào chậu khuấy kỹ để các loại nguyên liệu trộn đều sau đó đem ủ kín trong can nhựa, lu, vại, hoặc dụng cụ khác có nắp đậy trong 3 - 4 ngày, khi dung dịch có mùi thơm thì mang ra làm bả.
Pha bả độc
Pha bả độc theo tỷ lệ 10 ml thuốc trừ sâu với 3 lít dung dịch chua ngọt (pha gấp 2 lần so với liều lượng khuyến cáo sử dụng để phun ghi trên bao bì). Nên chọn thuốc độc qua đường miệng (vị độc), ít hoặc không có mùi. Thuốc dạng bột cần hòa tan với một lượng nhỏ nước trước khi pha với dung dịch chua ngọt.
Làm bẫy
- Dùng giẻ, bông thấm nước hoặc bã mía tẩm đẫm dung dịch bả độc hoặc rót dung dịch bả độc (30-50 ml/lần) vào các đĩa, cốc, lọ nhựa rộng miệng (nên sử dụng các chai lọ cũ để giảm chi phí) sao cho trưởng thành bay vào đậu, hút dịch và bay ra được. Các chai nhựa miệng hẹp thì khoét 2-4 ô tạo thành các cửa sổ xung quanh chai để trưởng thành sâu keo mùa thu có thể bay vào. Sau đó đặt đĩa, cốc, lọ nhựa dưới bó lá dừa, bó rơm rạ hoặc vật che chắn không để nước mưa rơi vào làm loãng bả độc.
- Có thể tẩm bả độc vào trong bó rơm rạ và cắm trực tiếp trên ruộng.
Đặt bẫy bả chua ngọt
Thời điểm đặt bẫy
Đặt bẫy bả ngay khi ngô mới ra lá đầu tiên, bổ sung bả chua ngọt 3-5 ngày/lần ở giai đoạn ngô 1 lá đến xoáy nõn, khuyến cáo nên đặt bẫy trong suốt vụ ngô để diệt trưởng thành sâu keo mùa thu.
Số lượng bẫy
Việc phòng trừ sâu keo mùa thu bằng bẫy bả chua ngọt cần đặt nhiều bẫy và trên diện rộng, do vậy cần làm đồng loạt trên cả cánh đồng ngô. Đặt 50-100 bẫy/ha (1 bẫy cho 50-100 m2 ruộng ngô).
Vị trí đặt bẫy
Khi ngô mới trồng có thể đặt bẫy trực tiếp trên mặt ruộng; khi ngô phát triển chiều cao nên đặt bẫy cao hơn mặt tán lá ngô trên ruộng từ 20-30 cm. Các bẫy cách đều theo hình vuông, bẫy cách bẫy 10-15 m.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Trị là một trong 8 tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Tuyên Quang nổi tiếng có giống trâu ngố vóc dáng to, khỏe, con đực nặng tới 800 - 900 kg. Tuy nhiên, giống trâu này ngày càng thoái hóa, cần được phục hồi
Nhu cầu xuất khẩu cao. Mít lại là cây dễ trồng, có thể xử lý để cho trái rải vụ, làm nghịch vụ nên có trái quanh năm, không gây ùn ứ sản phẩm.
Hơn 68% số nông dân tại khu vực Đông Nam Á được khảo sát, cho biết tác động của biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán) là một thách thức đáng quan tâm
Ở vùng quê có nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, nhưng anh Quang không theo những nghề có sẵn mà chọn học nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu.