Hormone sử dụng trong sản xuất cá giống
Sử dụng hormone trong việc kích thích sinh sản nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong sản xuất giống các loài cá nuôi. Nắm bắt được các loại hormone và cách sử dụng là điều cần thiết.
Biểu đồ minh họa các khía cạnh khách nhau của Androgen trong NTTS (cá rô phi) và môi trường
Kích dục tố Tuyến yên và dịch chiết tuyến yên
Tuyến yên thường được nghiền và chia thành 2 hay 4 liều, tiêm cách nhau khoảng vài giờ hoặc vài ngày. Gần đây việc sử dụng phương pháp này đã được chuẩn hóa thành liều sơ bộ (10 - 20%) và liều quyết định sau đó 12 - 24 giờ. Liều lượng tiêm có hiệu quả là trong khoảng 2 - 10 mg tuyến yên/kg cá. Sử dụng tuyến yên cá chép với liều 7 - 10 mg/kg cá có thể kích thích cá leo (Wallago attu) sinh sản, trong đó 10 mg/kg cho hiệu quả cao nhất với sức sinh sản đạt 120.952 trứng/kg, tỷ lệ thụ tinh đạt 89% và tỷ lệ nở đạt 94%.
Tuyến yên có thể dùng kết hợp với HCG với liều lượng 250 IU/kg + 6 mg tuyến yên/kg. Nhằm nâng cao hiệu quả và tính đồng nhất trong sử dụng, các nhà khoa học đã nghiên cứu để có thể làm tinh khiết hoàn toàn hoặc một phần kích dục tố (KDT) trong tuyến yên bằng cách chiết xuất dịch từ tuyến yên. Điển hình như dịch chiết từ tuyến yên cá hồi (Salmon Pituitary Extract: SPE) và dịch chiết từ tuyến yên cá chép (Carp Pituitary Extract: CPE).
Kích dục tố màng đệm nhau thai (HCG)
Mặc dù, các loại Kích dục tố tinh khiết chiết xuất từ tuyến yên của cá có mặt trên thị trường, nhưng chi phí vẫn còn cao và không sử dụng rộng rãi. Vì vậy, các nhà khoa học thử nghiệm với các loại Kích dục tố chiết xuất từ tuyến yên của động vật có vú như KDT từ huyết thanh ngựa chửa (PMSG) hay KDT màng đệm nhau thai chiết xuất từ nước tiểu của phụ nữ có thai (HCG). Trong đó, HCG là loại KDT được sử dụng phổ biến nhất trong sinh sản nhân tạo cá vì HCG đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn đơn vị quốc tế (IU) và hoạt tính sinh học của nó giống với LH của cá.
HCG thường được tiêm một lần duy nhất với liều lượng dao động 100 - 4.000 IU/kg trọng lượng thân. Ở cá giò (Rachycentron canadum), thông thường chỉ cần tiêm một liều thấp (275 IU/kg) là đủ để kích thích cá rụng trứng đối với các noãn bào đã kết thúc thời kỳ tích lũy chất noãn hoàng. Đối với cá đực, khi sử dụng HCG, liều thường thấp hơn 2 - 4 lần so với cá cái. Trên một số loài cá chép, HCG thường được dùng ở liều 1.500 - 2.000 IU/kg cá bố mẹ với thời gian hiệu ứng bình quân khoảng 5 - 6 giờ. Ở một số loài cá mú (Epinephelus spp), liều HCG dùng dao động trong khoảng 500 - 1.000 IU/kg và thường được tiêm 2 - 3 lần với thời gian hiệu ứng 12 - 24 giờ. Đối với cá lóc bông (Channa micropeltes), HCG có thể tiêm 2.000 - 3.000 IU/kg cho cá đực và 500 IU/kg cho cá cái và tiêm cá đực trước khi tiêm cá cái.
GnRH-A và chất kháng Dopamin
GnRH-A được sử dụng rộng rãi trong sinh sản nhân tạo vì các loại GnRH-A làm tăng hiệu quả đáng kể so các GnRH tự nhiên. Nghiên cứu đầu tiên trên cá cái cho thấy, GnRH tự nhiên và GnRH-A có hiệu quả trong việc kích thích sự phát triển buồng trứng, thành thục và rụng trứng ở liều lượng 1 - 15 mg GnRH/kg cá bố mẹ, hoặc 1 - 100 mg GnRH-A/kg.
Các chất kháng Dopamin thường được sử dụng kết hợp với GnRH-A trong sinh sản nhân tạo. Cụ thể, kết hợp GnRH-A và chất kháng dopamin, tiêm GnRH-A hai lần và các chất kháng dopamin (domperidone, pimozide, reserpine và metoclopramide) được tiêm một lần ở lần đầu cùng với GnRH-A. Điều này nhằm loại bỏ sự ức chế lên các KDT và tăng cường hiệu quả ảnh hưởng cho lần tiêm thứ 2 lên quá trình tiết KDT.
Các loại hormone steroid
Các hormone steroid ngoại sinh đã được chứng minh là có khả năng gây chín và rụng trứng trên các loài cá. Đầu tiên, phải kể đến là Methyltestosterone và Progesteron ngoại sinh khi tiêm vào cá Chạch (Misgurnus fossilis) giúp chín và rụng trứng. Sau đó, hàng loạt các công trình tiếp theo nghiên cứu sử dụng các loại hormon steroid ngoại sinh khác như Desoxycorticosteron (DOC), Hydrocotison, Oxyprogesteron cho cá mè trắng, Hydroxyprogesteron và Desoxycorticosteron Acetat (DOCA) cho cá trê phi (Clarias gariepinus), Cortexolon cho cá chép.
Ở nước ta, hầu hết các công trình nghiên cứu cũng như sử dụng hormon steroid trong sinh sản nhân tạo chủ yếu trên các loài cá nước ngọt như cá chép, trê phi, bống tượng, cá mè. Tuy nhiên các kết quả trên đều chưa được công bố rộng rãi cũng như chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất giống, đặc biệt trên các loài cá biển. Các hormon steroid sử dụng chủ yếu là P, 17P và 17,20bP. Gần đây, một số công trình nghiên cứu sử dụng các hormon steroid nhóm Gestagen (C21), đã được thử nghiệm cho đẻ thành công trên cá tra, cá chép, trắm cỏ, cá mè vinh.
Nuôi cá đơn tính, đặc biệt là cá đực, rất cần thiết và hormone được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, các hormone sẽ làm thay đổi các hệ thống cơ thể khác nhau, có thể ảnh hưởng đến sự nhạy cảm của cá với bệnh tật và nhiễm trùng cơ hội và chúng có thể gây ô nhiễm môi trường. Do đó, cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để tìm ra những cách an toàn hơn để đảm bảo sản xuất thủy sản đơn tính.
Có thể bạn quan tâm
Để chủ động chống rét và phòng trị bệnh cho cá, Sở NN- PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan triển khai một số nội dung
Cá Mỵ là giống cá đặc sản nhưng có nguy cơ tuyệt chủng ở Hà Giang. Bảo tồn loài cá này, Trung tâm Thủy sản tỉnh Hà Giang đang nghiên cứu, nhân giống.
Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đang là xu hướng mới được nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL áp dụng, nhằm giúp tôm tăng sức đề kháng, hạn chế được dịch bệnh
Biofloc là một hổn hợp của tảo, vi khuẩn, nguyên sinh động vật (protozoans) và các hạt vật chất hữu cơ như phân tôm cá và các mảnh vụn thức ăn
Tiềm năng của tinh dầu (EO) được tạo ra từ 1 loài tiêu để bổ sung vào thức ăn cho cá như một cách kiểm soát giun tròn trên cá. Kết quả của họ được đăng