Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa và hành trình mang tên ASC

Hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa và hành trình mang tên ASC
Tác giả: QUỐC KHA
Ngày đăng: 23/06/2016

Ký hợp đồng tiêu thụ tôm với Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) được khoảng nửa tháng, đồng nghĩa với việc mọi ao tôm HTX Hòa Nghĩa đều phải nuôi theo quy trình ASC nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm để có con tôm sạch, không kháng sinh cung ứng cho doanh nghiệp theo hợp đồng. Đây là tiêu chuẩn khó, nhưng với kinh nghiệm nuôi tôm theo quy trình VietGAP (một quy trình khá gần gũi với ASC) từ năm 2015, nên các thành viên HTX đều rất tự tin.

Hiện nay, các thành viên của HTX Hòa Nghĩa được nhiều hộ nuôi tôm trong vùng xem là những "lão làng". Nhưng để có được thành công như ngày nay, HTX đã trải qua không ít những khó khăn trong nghề. HTX Hòa Nghĩa được thành lập vào năm 2003, ban đầu chỉ có khoảng 13 thành viên và diện tích nuôi tôm 38ha.

Lúc đó, kỹ thuật nuôi còn khá đơn giản, các thành viên tự trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật với nhau là chính. Dần dần, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhà nước và sự tìm tòi học hỏi của các thành viên từ những chuyến đi tham quan ở một số địa phương khác, nên năng suất tôm cũng cao hơn, tôm ít bị thiệt hại hơn.

Nhớ lại những năm đầu của HTX, ông Tăng Văn Tuối, thành viên HTX cho biết: "Có những năm thời tiết thuận lợi thì HTX có lãi. Nhưng thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh bùng phát trên diện rộng như năm 2011, các thành viên trong HTX đang nuôi tôm sú bị lỗ nặng.

Tuy nhiên, sau vụ mùa thất bát, các thành viên họp bàn lại để đưa ra quy trình nuôi hiệu quả hơn, nên gần đây, có năm HTX lãi gần 12 tỉ đồng". Theo ông Tăng Văn Tuối, có đi tham quan học hỏi nhiều nơi mới biết được có những cách làm hay.

Ông Tuối chia sẻ: "Cách đây 6 năm, được dịp đi Thái Lan, tôi thấy họ nuôi tôm rất bài bản từ việc quản lý, thả thưa, các chỉ số môi trường trong ao nuôi… Sau chuyến đi đó, tôi cũng chia sẻ những gì học được lại với anh em trong HTX, nhất là tập quán thả dày cũng được thay thế bằng phương pháp thả thưa để nuôi tôm hiệu quả hơn".

Từ việc thử nghiệm thành công mô hình nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm, ông Tuối cũng phổ biến kinh nghiệm cho các thành viên, giúp nguồn nước ao nuôi tốt hơn, giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi và tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh.

Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ tôm theo tiêu chuẩn ASC với Công ty Stapimex đã đánh dấu giai đoạn mới trong quá trình nuôi tôm của HTX Hòa Nghĩa.

Ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa, cho biết: "Trước đây, thành viên của HTX bán tôm cho đại lý thu mua trong và ngoài tỉnh, nên cũng có những thời điểm bị đại lý ép giá. Vừa qua, HTX được WWF-Việt Nam (Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên) giới thiệu, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ tôm trong vòng 3 năm với Công ty Stapimex.

Theo hợp đồng, nếu tôm không sử dụng kháng sinh khi nuôi và đạt chuẩn ASC thì có giá bán cao hơn giá thị trường từ 15-20%, nên thành viên HTX rất phấn khởi. WWF Việt Nam cũng mở các lớp tập huấn cho HTX từ việc ghi chép sổ sách đến việc quản lý chất lượng nước, quản lý tôm nuôi, còn bên công ty cũng cử người xuống HTX để hướng dẫn thành viên HTX cách bảo quản tôm sau thu hoạch để có sản phẩm tốt nhất khi đưa ra thị trường".

Việc chứng nhận tôm theo tiêu chuẩn ASC ở HTX Hòa Nghĩa sẽ là vấn đề rất khó khăn với các nông hộ nuôi tôm nhỏ và chi phí cho việc thực hiện chứng nhận này là không nhỏ và thị trường tiêu thụ cũng còn khó khăn.

Để giải quyết những vướng mắc này, với sự giúp đỡ của Nordic Seafood (khách hàng mua tôm quốc tế), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và Tổ chức WWF – Việt Nam, Công ty Stapimex và HTX Hòa Nghĩa xây dựng chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ tôm đạt chứng nhận tiêu chuẩn ASC.

Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Stapimex, cho biết: Công ty cam kết sẽ mua tôm đạt chứng nhận ASC của HTX Hòa Nghĩa với giá cao hơn thị trường với tôm thông thường tới 20% và cam kết hỗ trợ các xã viên nuôi tôm trong HTX Hòa Nghĩa những tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và vận chuyển tới nhà máy chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất tôm đạt chứng nhận ASC.

Chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ tôm này sẽ là khởi đầu cho sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và các tác nhân trong ngành hàng tôm. Theo ông Mã Chí Thọ, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, thành công của HTX Hòa Nghĩa hiện nay nhờ vào việc các thành viên trong HTX có tinh thần đoàn kết, luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật từ nơi khác để áp dụng vào HTX. Đây được xem là một điểm sáng trong mô hình kinh tế tập thể.


Có thể bạn quan tâm

Cần tăng cường quản lý môi trường vùng nuôi thủy sản Cần tăng cường quản lý môi trường vùng nuôi thủy sản

Do thời tiết bất lợi nên tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để ổn định vùng nuôi, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, người nuôi cần tăng cường quản lý môi trường vùng nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho thủy sản nuôi.

23/06/2016
Làng chài mùa săn tôm hùm Làng chài mùa săn tôm hùm

Tôm hùm - loài tôm có giá trị rất cao và đang đem lại nhiều đổi thay cho các vùng quê nghèo ven biển. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, con giống loài tôm này rất hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên. Vậy nên, từ ngày nghề nuôi tôm hùm hưng thịnh, cũng chính là thời điểm những làng nghề săn tôm hùm giống ra đời.

23/06/2016
Người nuôi tôm hùm có lãi Người nuôi tôm hùm có lãi

Ngày 21-6, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: Toàn xã hiện có 48 hộ nuôi tôm hùm thương phẩm với số lượng khoảng 20.000 con và đang vào giai đoạn thu hoạch.

23/06/2016