Hợp tác xã ngư nghiệp Vĩnh Hy: Nâng cao hiệu quả hoạt động
Hoạt động từ tháng 12.1979, qua nhiều lần thay đổi theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2003 và Luật HTX năm 2012, HTX Ngư nghiệp Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) luôn sát cánh, đồng hành cùng ngư dân địa phương phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trong ảnh: HTX Ngư nghiệp Vĩnh Hy vận chuyển cá thu vào bờ sau khi đánh bắt.Ảnh: V.M
Truyền thống của các thành viên HTX Ngư nghiệp Vĩnh Hy là nghề lưới đăng đánh bắt cá thu là chính (hằng năm từ tháng 1 đến tháng 8 Âm lịch ở đây thường xuất hiện đàn cá thu với trữ lượng lớn). Ông Phan Văn Hiệp, Giám đốc HTX ngư nghiệp Vĩnh Hy, cho biết: Từ khi chuyển đổi hoạt động theo HTX kiểu mới, đơn vị có 66 thành viên, góp vốn khoảng 2,6 tỷ đồng (mỗi thành viên góp 40 triệu đồng).
HTX hiện có 8 tàu công suất từ 20-22CV/chiếc, chủ yếu hoạt động đánh bắt gần bờ từ 1,5-2 hải lý. Đến mùa đánh bắt chính, những tàu thuyền của HTX hoạt động gần như hết công suất, làm nhiệm vụ vận chuyển lượng cá thu đánh bắt được vào bờ và tiếp tế hậu cần cho những tàu đang chốt lại tiếp tục đánh bắt ở khu vực đầm Đăng, vịnh Vĩnh Hy.
Cá thu đánh bắt được tiêu thụ trên thị trường trong nước, với giá dao động từ 90-130 ngàn đồng/kg. Chỉ tính riêng vụ cá trong năm 2016, HTX đạt sản lượng 33 tấn, tăng 14,8% so với năm 2015, doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 4-5 triệu đồng/tháng/thành viên.
Ông Trần Văn Bá, thành viên HTX, chia sẻ: Vào tháng 10 Âm lịch hằng năm trở đi biển thường rất động, xuất hiện gió Bấc nên tàu cá của HTX đành “nghỉ ngơi”. Tầm khoảng tháng 4-5 Âm lịch, lượng cá đánh bắt được rất nhiều. Vào thời điểm này, khách du lịch đến Vĩnh Hy có thể ra khơi cùng ngư dân và tận mắt chứng kiến những con cá thu nặng hơn 2kg mới được đánh bắt lên.
Trao đổi về hướng phát triển của HTX trong thời gian tới, ông Phan Văn Hiệp cho biết thêm: Đánh bắt cá thu là nghề chính của ngư dân nơi đây, nhưng muốn phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân, thành viên của HTX rất cần có nguồn vốn để mua sắm thêm tàu thuyền có công suất lớn, trang bị máy móc, thiết bị hỗ trợ đánh bắt hiện đại…
Vì nguồn vốn hạn hẹp, mà hằng năm HTX phải chi hàng trăm triệu đồng cho việc mua nhiên liệu, tu bổ tàu thuyền, ngư lưới cụ nên rất khó cho HTX đầu tư mở rộng thêm năng lực tàu thuyền. Hơn nữa muốn duy trì và phát triển bền vững thì HTX cần phải tính toán, tiết kiệm chi tiêu cho mọi hoạt động…, đó là bài toán khó mà Hội đồng quản trị HTX luôn trăn trở.
Với thực tế từ những thuận lợi, khó khăn như đã nêu trên, HTX Ngư nghiệp Vĩnh Hy cần có sự tiếp sức về nguồn vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động, nâng cao thu nhập cho các thành viên; thể hiện vai trò đắc lực giúp ngư dân đầu tư phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Có thể bạn quan tâm
Việc chuyển đổi và ứng dụng công nghệ PU trong quá trình làm hầm bảo quản sẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất và yên tâm bám biển
Thời gian qua, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ PU (hầm chứa cách nhiệt bằng vật liệu xốp Polyurethane).
Giá tôm nước lợ các loại tăng mạnh do đang trong thời điểm nghịch vụ, sản lượng tôm cung ứng cho thị trường hạn chế, tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu