Hợp tác nuôi tôm, lợi nhuận tăng vọt từ 1 tỷ lên 6,75 tỷ đồng
Về nuôi tôm, ở vụ nuôi năm 2016, HTX chỉ mới có sản lượng tôm đạt 23 tấn cùng mức lợi nhuận 1 tỷ đồng, thì ở vụ nuôi năm 2017, HTX thu hoạch tổng cộng 130 tấn thương phẩm, với tổng giá trị 14,6 tỷ đồng cùng mức lợi nhuận 6,75 tỷ đồng...
Những vuông nuôi tôm sú sau thu hoạch giờ đã được lấp lại bằng một vụ lúa để đảm bảo sản xuất bền vững. Ảnh: Phạm Duy Tương
“Nếu như ở vụ nuôi tôm năm 2016, cả HTX chỉ đạt mức lợi nhuận 1 tỷ đồng, thì đến vụ nuôi năm 2017, đã có thành viên HTX đạt mức lợi nhuận trên, còn nếu tính chung toàn HTX, con số lợi nhuận lên đến 6,75 tỷ đồng”. Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc HTX Thành Đạt ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng mở đầu câu chuyện bằng những con số hết sức ấn tượng.
Lý giải cho nguyên nhân thành công trên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, bên cạnh sự hợp nhất 5 THT nuôi tôm vào HTX, thì sự tác động và hỗ trợ từ dự án “Chuỗi giá trị tôm công bằng bền vững tại Việt Nam” (viết tắt là SUSV) của Oxfam Việt Nam và Icafis có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thành công của HTX.
Ông Nguyễn Hoàng Anh kể: “Lúc đầu, HTX được dự án hướng vào công tác bình đẳng giới, sau đó là sơ đồ sinh kế, các mối liên hệ và sau này là chuỗi liên kết giá trị con tôm, như: phương thức đàm phán với các công ty, quy trình nuôi tôm sạch, hiểu thế nào là tôm sạch...”.
HTX Thành Đạt được thành lập tháng 3/2017 trên cơ sở hợp nhất 5 THT tôm – lúa trong xã theo yêu cầu của dự án SUSV và nguyện vọng muốn làm ăn lớn theo hướng liên kết của thành viên. Sau khi thành lập, HTX có 86 thành viên với tổng diện tích đất sản xuất 97ha, được thiết kế làm 230 ao nuôi tôm với tổng diện tích mặt nước 68ha; trong đó, có 40ha nuôi thẻ 2 vụ/năm và 28ha nuôi sú 1 vụ/năm.
Sau các lớp tập huấn của dự án, HTX có sự chuyển biến rõ rệt, cả về bình đẳng giới lẫn hoạt động sản xuất. Nếu như lúc đầu chỉ có nam giới tham gia hội họp, thì càng về sau, số lượng nữ tham gia nhiều hơn nam và rất mạnh dạn đóng góp ý kiến xây dựng HTX. Còn về nuôi tôm, ở vụ nuôi năm 2016, HTX chỉ mới có sản lượng tôm đạt 23 tấn cùng mức lợi nhuận 1 tỷ đồng, thì ở vụ nuôi năm 2017, HTX thu hoạch tổng cộng 130 tấn thương phẩm, với tổng giá trị 14,6 tỷ đồng cùng mức lợi nhuận 6,75 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh phấn khởi: “Năm nay chỉ riêng mình thành viên Dương Văn Thanh đã có lợi nhuận 1 tỷ đồng, tức bằng tổng lợi nhuận của HTX năm 2016, còn người lời thấp nhất cũng 30 triệu đồng”.
Thông qua sự hỗ trợ của dự án, HTX có liên kết với công ty cung ứng giống Kim Sa, Hoàng Lộc, Sinh Thái với giá thấp hơn 25%; cung ứng thức ăn, vi sinh, thuốc thú y thủy sản với các công ty Grobest với giá thấp hơn 35% và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, trong vụ nuôi vừa qua chỉ mới có hợp đồng đầu vào là thực hiện tương đối tốt, còn đầu ra vẫn còn một số thành viên chưa bán được cho công ty theo hợp đồng do sản lượng ít.
Nhờ nuôi tôm, ông Nguyễn Hoàng Anh cất được căn nhà tường khang trang và có điều kiện hỗ trợ những hộ còn khó khăn. Ảnh: Phạm Duy Tương
Theo kế hoạch vụ nuôi năm 2018, HTX đạt mục tiêu sản lượng tôm nuôi tăng gấp đôi so với năm 2017, tức vào khoảng 270 tấn. Thấy tôi có vẻ hoài nghi, ông Nguyễn Hoàng Anh phân tích thêm: “Từ thành công năm 2017, HTX nhận thấy, trong điều kiện nuôi thuận lợi, cứ khoảng 100.000 con giống sẽ cho sản lượng tôm thương phẩm khoảng 1 tấn. Như vậy, với 40ha nuôi tôm thẻ 2 vụ/năm, tổng lượng con giống thả nuôi là 240 triệu con, tức khoảng 240 tấn tôm thương phẩm, còn 28ha nuôi tôm sú 1 vụ/năm sẽ thả 30 triệu con giống, thu khoảng 30 tấn tôm thương phẩm”.
Tuy về lý thuyết các tính toán của HTX là hoàn toàn hợp lý, nhưng ông Nguyễn Hoàng Anh cũng như các thành viên BGĐ HTX vẫn còn không ít băn khoăn, đặc biệt là nguồn vốn.
Theo tính toán, để có 270 tấn tôm, mức tiêu thụ thức ăn khoảng 300 tấn và HTX phải làm sao hỗ trợ thành viên được 50% lượng thức ăn này. Do đó, để hỗ trợ thành viên khó khăn về vốn, bên cạnh nguồn quỹ hùn vốn xoay vòng, HTX cũng đã thỏa thuận liên kết được với đại lý bán nợ cho HTX thức ăn và chế phẩm vi sinh đến cuối vụ mới thanh toán với mức rẻ hơn so với bên ngoài (tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng).
Ngoài ra, HTX đang xúc tiến thu hút nguồn vốn bổ sung cho hoạt động dịch vụ bằng cách kêu gọi đóng góp 10 cổ phần, mỗi cổ phần 30 triệu đồng để làm dịch vụ cung ứng thức ăn theo hình thức xoay vòng. Cuối năm sau khi trừ chi phí, HTX sẽ trích 70% lợi nhuận làm dịch vụ để chia cổ tức, 30% còn lại trích lập quỹ bổ sung vào vốn kinh doanh.
Tôm nuôi của HTX luôn đạt kích cỡ đồng đều và đảm bảo sạch nhờ chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh. Ảnh: Phạm Duy Tương
Hiện toàn bộ diện tích nuôi tôm của HTX hoàn toàn sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi theo quy trình VietGAP và sau vụ tôm, các diện tích đều lấp lại vụ lúa, nên cũng được doanh nghiệp cam kết bao tiêu với gia cao hơn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Bỏ việc với mức lương hấp dẫn, kỹ sư Ngô Hữu Anh Khôi (Vĩnh Long) cùng vợ về quê tự chế mô hình trồng rau thủy canh, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang trở thành hướng phát triển giúp nhiều người dân vươn lên làm giàu.
Nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.