Hỏi đáp thủy sản tháng 11/2017 (Phần 3)
Tôm có thể bị nhiễm virus đầu vàng (YHV)
Hỏi: Cá chép mới nuôi được 1 tuần, mấy ngày gần đây, cá có dấu hiệu nổi đốm trắng toàn thân rồi chết. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
(Phạm Duy Thông, xã Hưng Chiến, huyện Duy Long, tình Bình Phước)
Trả lời:
Theo mô tả, cá chép có thể bị bệnh thích bào tử trùng (Myxobolus sp.). Đây là bệnh đặc hữu của cá chép. Loại thích bào tử trùng này có bào nang rất cứng và dày, dùng hóa chất và thuốc không có hiệu quả cao. Hiện chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm trong ao đang nhiễm bệnh và phòng bệnh trong quá trình nuôi. Ao đã bị bệnh cần dùng một số thuốc khử trùng như BKC, Iodine. Tiến hành khử trùng 3 ngày/lần, thực hiện 3 - 4 lần liên tục. Vụ sau cần cải tạo ao rất kỹ do thích bào tử trùng có thể tồn tại trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, dễ lây lan từ vụ này sang vụ sau. Sau khi cải tạo ao nuôi vụ sau, cần dùng vôi với liều lượng gấp đôi và phơi khô đáy ao toàn bộ trong 7 - 10 ngày, nhằm loại bỏ mầm bệnh triệt để.
Hỏi: Trong ao xuất hiện váng màu nâu nổi trên mặt nước. Xin hỏi có thả cá vào được không?
(Nguyễn Văn Hoàng, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương)
Trả lời:
Với trường hợp của ao trên, trước mắt cần xử lý hết váng mới nên thả cá vào vì ao đang dư thừa dinh dưỡng, tảo phát triển quá mức. Cách xử lý ao như sau: Vớt hết váng tảo vào buổi sáng sớm đổ lên xa bờ; Dừng bón phân, nếu có các loài cá khác trong ao rồi thì nên giảm lượng thức ăn xuống 1/2; Thay nước với lượng 20 - 30% bằng cách rút nước đáy bổ sung nước tầng mặt. Sau đó, dùng BKC hoặc Sunphat đồng với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì để tiêu diệt tảo. Khoảng 1 - 2 ngày, đánh chế phẩm sinh học xuống để phân hủy xác tảo và hấp thu khí độc, khi nước ao bình thường trở lại thì có thể thả cá xuống. Cần lưu ý tính toán lượng thực ăn vừa đủ để không bị dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của cá.
Hỏi: Tôm phát triển rất nhanh và ăn nhiều hơn mức bình thường. Mấy ngày sau tôm dừng ăn, toàn thân nhợt nhạt, sau đó tôm dạt vào gần bờ và chết. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
(Nguyễn Duy Anh, xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ)
Trả lời:
Theo mô tả, tôm có thể bị nhiễm virus đầu vàng (YHV). Hiện chưa có thuốc hoặc chất hóa học nào dùng để điều trị bệnh. Vì vậy, trong quá trình nuôi, cần áp dụng theo phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Tránh vận chuyển tôm từ nơi có bệnh đến nơi chưa phát bệnh để hạn chế sự lây lan vùng lân cận. Những tôm chết vớt ra khỏi ao, tốt nhất là chôn sống trong vôi nung hoặc đốt. Nước từ ao tôm bệnh không thải ra ngoài, được xử lý bằng vôi nung hoặc clorua vôi (theo phương pháp tẩy ao). Thường xuyên theo dõi tôm, nếu phát hiện có dấu hiệu bệnh, tốt nhất là thu hoạch ngay. Nếu tôm quá nhỏ chưa thể thu hoạch thì cần xử lý nước ao trước khi tháo bỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cá cảnh có hàng loạt đặc điểm phong phú và phức tạp hơn hẳn các ngành thủy sản khác. Kinh doanh cá cảnh "siêu lãi", nhưng lại quên thị trường nội địa
Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê nghèo như tỉnh Điện Biên
Sau khi lũ chấm dứt, cần thu gom lượng tôm, cá nuôi sót lại. Xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải nếu có) đúng quy định; tuyệt đối không vứt xác thủy sản