Học cách làm giàu của siêu nông dân Việt ở xứ Hàn
Sự xuất hiện của những “siêu” nông dân Việt Nam: “Vua” cam, “đại gia” chuối, “siêu nhân” vịt trời… tại Hàn Quốc trong chuỗi những ngày tham quan, học tập mô hình công nghệ cao tại đây (tháng 10.2016, do Báo NTNN tổ chức) đã mang lại nhiều câu chuyện hết sức thú vị. Họ xứng đáng là những người tiên phong cho ước mơ hội nhập với thế giới.
Trong ảnh: Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cùng các nông dân xuất sắc tìm hiểu các thành tựu nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu chăn nuôi Hàn Quốc. Ảnh: Đàm Duy
“Giàu không kém bầu Đức”
7 ngày ở Hàn Quốc, các siêu nông dân Việt đặc kín lịch làm việc. Đầu tiên là thăm dây chuyền sản xuất nấm của Công ty Nông sản Deaheung, đến làm việc với 4 viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc về chăn nuôi, trồng trọt, củ quả… Ở đâu, các nông dân cũng nhận được sự “kiêng nể”, thán phục của các đối tác Hàn Quốc. Hôm làm việc với Viện nghiên cứu trồng trọt, chăn nuôi, khi MC của đoàn giới thiệu với lãnh đạo viện, rằng đây là những nông dân xuất sắc, rất giàu có trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân Võ Quan Huy ở xã Hiệp Hòa (huyện Đức Hòa, Long An) đã tự tin phản biện: “Không chỉ giàu có mà chúng tôi còn giàu nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí còn giàu hơn cả bầu Đức (ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai- PV)”.
Nghe thì tưởng ông nói cho vui, kỳ thực những điều ông chia sẻ là hoàn toàn đúng sự thật. Ông Võ Quan Huy, còn gọi là Út Huy được coi là nông dân sử dụng nhiều đất nhất cả nước, khi đang sở hữu gần 1.000 ha đất nông nghiệp. Riêng ở miền Cửu Long, người dân hay gọi ông là vua tôm, vua ớt, vua chuối, thậm chí cả là vua bò… vì ở lĩnh vực nào ông cũng là người sản xuất số lượng và xuất khẩu nhất nhì khu vực.
Trở lại câu chuyện ở viện nghiên cứu, khi nghe ông Út Huy giới thiệu như thế, vị Viện trưởng chỉ có nước gập đầu bái phục. Ở Hàn Quốc, nông dân cũng có cuộc sống khá dư dả, nhưng như ông Út Huy thì chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi.
Không chỉ Út Huy, sự giàu có của nông dân Lương Trọng Thắng đến từ làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa cũng đáng khâm phục. Mỗi năm doanh thu từ trang trại tổng hợp, dịch vụ của ông Thắng đạt trên 90 tỷ đồng. Sau khi thăm Công ty Nông sản Deaheung- doanh nghiệp xuất khẩu nấm lớn nhất Hàn Quốc, nông dân Thắng đã đặt vấn đề mua hẳn cả một dây chuyền sản xuất nấm ở đây để đem về quê nhà áp dụng vào sản xuất. Ông Thắng nói: “Tôi mê dây chuyền sản xuất nấm này quá. Từ lên men, đến cấy giống, nuôi trồng, đóng gói đến vận chuyển đều tự động. Mua cả nhà máy của họ thì tôi chưa đủ lực, nhưng mua dây chuyền nhỏ hơn, cỡ 80- 100 tỷ thì không vấn đề gì”…
Nông dân Bùi Minh Dũng chụp ảnh quy trình làm nấm tại Hàn Quốc. Ảnh: Đàm Duy
“Gặt hái” trên xứ Hàn
“Vua cam” Đoàn Xuân An ở Tuyên Quang chia sẻ, huyện Hàm Yên- quê hương ông, đang có gần 9.000 ha cam, với sản lượng hàng trăm ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra cho quả cam rất yếu, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Chính vì vậy trước chuyến đi, “vua cam” mong sẽ tìm thêm thị trường ở Hàn Quốc để giúp cho quả cam Hàm Yên bay xa. Thế nhưng, sau chuyến “công du” nước Hàn, “vua” cam thừa nhận cam Việt Nam, trong đó có cam Hàm Yên thực sự không có thế mạnh để xuất khẩu sang các nước khác. Lý do bởi cam là loại quả có hạt nên quá trình kiểm dịch khó khăn hơn (thường mất 5-6 năm để đàm phán thông qua). “Xuất khẩu cam ra nước ngoài khó khăn như thế thì ta nên làm tốt hơn thị trường nội địa. Làm tốt trong nước cũng chưa chắc đã thua xuất khẩu ra nước ngoài”- ông An nói.
Năm 2017, Báo NTNN dự kiến tổ chức 2 đoàn “Nông dân xuất sắc” đi tìm hiểu mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài tại Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Ngược lại với “vua” cam, “vua” chuối Út Huy lại rất lạc quan khi qua chuyến đi ông đã tìm được hướng đi cho sản phẩm của mình ở thị trường lớn nhất nhì châu Á này. Ông Huy chia sẻ, hiện quả chuối của ông đã xuất khẩu ổn định sang Nhật Bản, với việc mở thêm được thị trường Hàn Quốc thì triển vọng của nghề trồng chuối của gia đình ông sẽ có cơ hội “cất cánh”. “Tới đây sẽ phải mời đối tác sang tận Long An xem xét, kiểm tra các quy trình sản xuất, đóng gói. Khi họ đồng ý thì việc khai phá thị trường mới này mới bắt đầu” – ông Út Huy nói.
Những gặt hái qua chuyến đi còn phải nói đến anh “siêu nhân” nuôi vịt trời Nguyễn Đăng Cường (Bắc Ninh). Được thăm quan các mô hình sản xuất ở 3 viện nghiên cứu, Cường rất mê công nghệ hệ thống nhà màn của nông dân Hàn Quốc và các giống, nhất là giống khoai tây tím. “Người Việt mình rất thích các loại giống, con lạ. Tôi đã chinh phục được vịt trời, nay chắc phải nghĩ việc trồng thêm khoai tây tím để chào bán ra thị trường mới được”. - Cường hồ hởi nói.
Sau 1 tuần, ngày rời xứ Hàn về lại Việt Nam cũng đến. Hôm chia tay đoàn ở sân bay Nội Bài, ngoại trừ ông Út Huy phải bay tiếp về phương Nam, hầu hết các siêu nông dân đều có ô tô riêng đến đón. Chia tay ai cũng buồn nhưng riêng chúng tôi thì thấy vui, vì sau chuyến đi Hàn Quốc những siêu nông dân Việt đã chứng tỏ ở tất cả mọi khía cạnh rằng họ không thua kém gì những doanh nhân thành đạt…
Ngả mũ trước độ chịu chơi
Những ngày ở Hàn Quốc, sau các buổi giao lưu, làm việc, những siêu nông dân Việt còn được thỏa sức mua sắm. Mức độ “chịu chơi” của các vua, đại gia nông dân lúc đó mới thấy rõ. Ông Út Huy mua đủ thứ, từ nhân sâm, dầu thông đỏ, đến các loại mỹ phẩm, điện thoại di động hàng đầu. Ông nói vui, mua vậy cũng mất gần 200 triệu. Cũng đúng thôi, riêng cái điện thoại Samsung note7 giá 22 triệu, ông chỉ nhấc “alo” hỏi con trai ở quê có thích không, sau đó ông chìa thẻ ra thanh toán liền…
Thú vị hơn cả là ông Lương Trọng Thắng - người nông dân đến từ xứ Thanh. Sau khi “nhét cả Hàn Quốc vào 2 bao tải- lời của các thành viên trong đoàn”, ông Thắng đã nằng nặc đòi hướng dẫn viên đưa đi khắp Seoul. Hỏi để làm gì, ông nói để mua… gậy chơi golf. Lại hỏi, nông dân mà cũng đi chơi golf à? Ông cười xòa, không, món ấy tôi không thích. Mình có ông anh là đối tác, giúp đỡ nhiều trong sản xuất, làm ăn nên mua tặng ông ấy đôi gậy thôi. Vậy là người hướng dẫn đã phải dẫn ông nông dân này đi khắp nơi tìm “quà biếu đối tác”.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh thái, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCCN), UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch giao cho đơn vị liên kết
Nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch. Năm mới 2017, chủ nhân của các dự án khởi nghiệp này tiếp tục vạch ra nhiều kế hoạch lớn, với nhiều kỳ vọng.
Sản xuất lúa gạo của Việt Nam không bền vững, xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu ở phân khúc chất lượng trung bình và thấp, thị trường xuất khẩu và nội địa