Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra thông báo về việc hủy bỏ một phần của đợt rà soát hành chính Lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam. Ảnh minh họa: Thanh Liêm - TTXVN
Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại các mục 751 (a) (1) và 777 (i) (1) của Đạo luật Thuế quan năm 1930, đã sửa đổi và 19 CFR 351.213 (d) (4), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra thông báo về việc hủy bỏ một phần của đợt rà soát hành chính Lệnh áp thuế chống bán phá giá (Antidumping Duty Administrative Review-ADAR) (POR12) đối với một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1/2/2016 đến 31/1/2017. Lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 11/8/2017.
Trước đó, vào ngày 10/4/2017, theo yêu cầu rà soát đúng hạn đối với 55 công ty của Ủy ban đặc biệt về Hành động thương mại tôm (bên khiếu nại) và đối với 88 công ty của Hiệp hội Các nhà chế biến Tôm Hoa Kỳ (ASPA) và nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố tại Công báo Liên bang (Federal Register) thông báo về việc khởi xướng Rà soát hành chính Lệnh áp thuế CBPG đối với một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1/2/2016 đến ngày 31/1/2017.
Tuy nhiên, do một số công ty Việt Nam (3 công ty) rút yêu cầu rà soát, 1 công ty Việt Nam không yêu cầu rà soát và bên nguyên đơn ASPA cũng rút yêu cầu rà soát tương ứng với các công ty. Hiện không còn yêu cầu rà soát nào liên quan tới các công ty này.
Theo mục 19 CFR 351.213(d)(1), Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ cuộc rà soát hành chính, nếu bên yêu cầu rà soát rút đơn yêu cầu trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát theo yêu cầu.
Do bên nguyên đơn, ASPA và từng công ty cùng rút đơn yêu cầu rà soát hành chính trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố Thông báo khởi xướng, và không có bên liên quan nào khác yêu cầu rà soát các công ty này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ hủy bỏ rà soát liên quan tới các công ty này, theo quy định tại mục 19 CFR 351.213(d)(1). Việc rà soát hành chính vẫn còn diễn ra đối với các công ty khác mà trước đó đã khởi xướng cuộc rà soát.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ hướng dẫn Cơ quan Bảo vệ biên giới và Hải quan Hoa Kỳ (CBP) tính toán mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với tất cả các chuyến hàng tương ứng, với mức thuế tương đương với khoản tiền đặt cọc cho mức thuế chống bán phá giá dự tính mà được yêu cầu nộp vào thời điểm nhập khẩu, hoặc rút khỏi kho hàng, để đưa vào tiêu thụ, trong thời kỳ từ ngày 1/2/2016 đến ngày 31/1/2017, theo mục 19 CFR 351.212(c)(1)(i).
Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến ban hành các hướng dẫn tính thuế thích hợp cho CBP 15 ngày sau ngày công bố thông báo này tại Công báo liên bang, nếu thích hợp.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, thông báo này là lời nhắc cuối cùng cho các nhà nhập khẩu về trách nhiệm của họ theo điều 19 CFR 351.402 (f) (2) để nộp giấy xác nhận hoàn thuế chống bán phá giá trước khi thanh khoản các chuyến hàng có liên quan trong giai đoạn rà soát này. Việc không tuân thủ yêu cầu này có thể dẫn đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ giả định rằng việc hoàn thuế chống bán phá giá đã xảy ra và có thể dẫn tới việc tính trùng thuế chống bán phá giá.
Mặt khác, thông báo này cũng đóng vai trò là lời nhắc cuối cùng tới các bên phải tuân thủ Lệnh bảo vệ hành chính (APO) về trách nhiệm của họ liên quan tới việc trả lại hoặc hủy thông tin mật được tiết lộ theo APO theo quy định trong mục 19 CFR 351.305 (a) (3), mà tiếp tục điều chỉnh các thông tin mật ở giai đoạn này của vụ kiện.
Do đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu các bên kịp thời thông báo bằng văn bản về việc hoàn trả hoặc hủy bỏ các tài liệu thuộc sự điều chỉnh của APO, hoặc chuyển sang lệnh bảo vệ tư pháp. Việc không tuân thủ các quy định và điều khoản của một lệnh bảo vệ hành chính APO sẽ bị xử phạt theo pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Theo một nghiên cứu mới đây, mỗi năm các đội tàu khai thác loại bỏ gần 10 triệu tấn thủy sản trở lại biển mỗi năm, chiếm 10% sản lượng khai thác toàn cầu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Peru (SNP), trong hai quý đầu năm 2017, XK thủy sản của Peru tăng 61,5% về giá trị và 92,4% về khối lượng.
Tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2016, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tăng trưởng tốt với hơn 3,6 tỷ USD tại các thị trường