Hòa Bình hỗ trợ nhân dân nuôi cá lồng thu lãi cao
Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình không chỉ giúp khai thác tiềm năng diện tích mặt nước mà còn góp phần làm giàu, ổn định đời sống người dân với thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trong ảnh: Lồng cá của bà con ở Hòa Bình. Ảnh: Bizmedia.
Nuôi cá lồng trên sông là mô hình được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng. Tuy nhiên, để đạt được thành công, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của người dân, thì chính sách của các cơ quan ban ngành cũng là yếu tố quan trọng.
Ngày 27/4/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định số 10/2015/QĐ-UBND về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2015-2020. Chính sách này không chỉ giúp khai thác hợp lý tiềm năng diện tích mặt nước trong nuôi trồng thủy sản mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở khu vực. Sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan ban ngành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đã phát huy những hiệu quả nhất định khiến mô hình nuôi cá lồng ở thủy điện Hòa Bình đạt được những thành tựu đáng kể.
Theo chủ trương, phía chính quyền sẽ hỗ trợ kinh phí trong việc đăng ký và chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu cá lòng hồ thủy điện. Phía chủ cơ sở, doanh nghiệp nuôi thả phải cam kết nuôi cá lồng đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giữ gìn thương hiệu chung cho vùng nuôi thả.
Kết quả, năm 2015, trên toàn địa bàn tỉnh có 2.317 lồng cá. Đến tháng 10/2016, số lượng lồng cá đã tăng đến 4.200 lồng, đạt sản lượng khoảng 3.700 tấn một năm; trong đó, số lượng lồng cá trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình là 2.000 lồng. Sự phát triển của mô hình góp phần giải quyết công việc cho hơn 1.000 lao động, nhiều gia đình có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế. Các chủ cơ sở cá quy mô lớn cũng mang về nguồn thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.
Cá lăng phát triển khỏe mạnh tại các lồng nuôi. Ảnh: Bizmedia.
Thực hiện theo chính sách của Ủy ban nhân dân tỉnh, cuối năm 2015, gia đình bà Trần Thị Tuyết, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình quyết định đầu tư 2 lồng cá trên lòng hồ thủy điện với nhiều giống như cá lăng, trắm cỏ, trắm đen… Sau 6 tháng chăm sóc, gia đình thu hoạch 6 tạ cá thương phẩm, thu về 40 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình bà còn được hỗ trợ 40 triệu đồng từ chính quyền địa phương theo quy định của chính sách.
Ở quy mô lớn hơn, các hợp tác xã và doanh nghiệp cũng bắt tay vào việc phát triển lồng cá vùng lòng hồ như hợp tác xã Thống Nhất (xã Thái Thịnh) 36 lồng, hợp tác xã Hiền Lương (xã Hiền Lương) 120 lồng, Công ty TNHH MTV Minh Tín (xã Thung Nai) 170 lồng, Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng HB102 lồng... Với sản lượng thu hoạch hàng tấn cá, mỗi năm, các đơn vị này thu về hàng trăm triệu đồng một lồng.
Chính sách của tỉnh Hòa Bình giúp mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, số lồng cá trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình cán mốc 3.500 lồng, sản lượng khai thác đạt 5.600 tấn mỗi năm và tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Có thể bạn quan tâm
Phấn đấu sản lượng tôm nuôi đạt trên 280.160 tấn và đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2020
“Giá cá tra ở ĐBSCL hiện đạt mức 27.000 đồng/kg. Đây có thể nói là mức giá cao đỉnh điểm trong những năm qua. Tuy nhiên, rất khó đưa ra dự báo diễn biến
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, ở ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đã xây dựng thành công mô hình dèo tôm, cua giống trong lồng bè và có thu nhập cao