Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn
Ngày 24/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục trong 100 năm qua.
Bộ chỉ đạo, hiện, các địa phương cần gấp rút tìm nguồn vốn ứng trước từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân và quyết toán với ngân sách Trung ương sau.
Theo thống kế của Bộ Nông nghiệp, đến trung tuần tháng 2, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với sản xuất vụ lúa mùa chủ yếu trên đất lúa tôm của tỉnh Kiên Giang với diện tích bị hạn, mặn là gần 60.000 ha; trong đó diện tích bị thiệt hại là hơn 30.000 ha. Đối với vụ lúa thu đông, hơn 32.000 ha bị hạn, mặn chủ yếu trên đất lúa thu đông muộn của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang vụ đông xuân 2015-2016, có hơn 330.000 ha (chiếm hơn 35% diện tích xuống giống và chiếm hơn 21% diện tích lúa đông xuân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long) có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán; trong đó, đã có hơn 100.000 ha, chiếm khoảng 7% diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng hạn, mặn nặng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra giải pháp trước mắt, các cơ quan thuộc Bộ tăng cường dự báo nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn tới từng địa phương để chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi lấy nước ngọt hiệu quả. Hỗ trợ các giải pháp công nghệ phù hợp để xây dựng các đập tạm, giải pháp lấy và trữ nước ngọt. Đặc biệt, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh gói kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn, phổ biến rộng rãi trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về lâu dài, các tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, các công trình vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA phục vụ cho phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang gây ra những tác động rất lớn đối với sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.
Một số vị trí dọc theo khu vực ven biển của đồng bằng, từ sông Vàm Cỏ cho đến sông Tiền, sông Hậu, rồi khu vực biển Tây, mặn đều vào sâu hơn từ 30 đến 50 km, độ mặn cao hơn từ 4-7g/lít.
"Như vị trí Bến Lức (Long An), sâu vào trong cửa biển 69 km, độ mặn đã đạt 8,3g/lít, tức là 8,3‰ trong khi tiêu chuẩn để tưới được là 1‰", ông Hoài nói.
Theo ông Hoài, hiện tượng El Nilo dự báo kéo dài đến hết tháng 4, cộng với nước biển dâng cao và việc sử dụng nước phía thượng lưu các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến ảnh hưởng của xâm nhập mặn rất lớn, vừa vào sâu hơn và nồng độ lớn hơn.
Có thể bạn quan tâm
Đang là ông chủ cây xăng dầu và cửa hàng bán gas, bếp gas ăn nên làm ra, bỗng một ngày anh Cao Văn Lâm (sinh năm 1977, ở xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, Hải Dương) quyết định rẽ ngang để làm một anh nông dân chân lấm tay bùn chính hiệu.
Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), tỏi được người dân ví như “vàng trắng” giúp họ có cuộc sống khá giả, ổn định. Tuy nhiên, vụ tỏi đông xuân 2015 - 2016 mất mùa nặng, người trồng tỏi mang nỗi lo kép.
Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo là đạt kỷ lục 100 năm ở các tỉnh ĐBSCL, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để giúp người dân đối phó.