Hình thành vùng chuyên canh xoài đạt chuẩn VietGAP
Nông dân trong tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Riêng xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil có gần 800ha đất trồng các loại cây công nghiệp đã được chuyển đổi sang trồng xoài.
Hình thành vùng chuyên canh xoài đạt chuẩn VietGAP tại Đắk Gằn. Ảnh: Đắk Nông online
Nơi đây đã hình thành vùng chuyên canh xoài lớn của cả khu vực Tây Nguyên và bắt đầu định hướng theo sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.
Tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông tổ hợp tác trồng xoài thôn Tân Lợi là tổ hợp tác có quy mô lớn nhất trong xã với hơn 100 hộ nông dân tham gia và tổng diện tích xoài đã đạt gần 200ha, sản lượng hàng năm từ 2.500 - 3.000 tấn.
Cuối tháng 1/2018 vừa qua, 9 hộ nông dân đầu tiên của tổ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được công nhận đạt chuẩn. Tổng diện tích của 9 hộ dân này là 12,5ha với sản lượng gần 200 tấn mỗi năm đã được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp thu mua. Hiện nay các hộ nông dân còn lại đang khẩn trương hoàn thiện quy trình, tiêu chí, để tiếp tục được công nhận.
Ông Nguyễn Xuân Kỷ, một thành viên tiên phong chuyển đổi vườn cà phê sang trồng xoài và tham gia canh tác theo quy chuẩn VietGAP cho biết, hiệu quả kinh tế từ cà phê, tiêu mấy năm nay không còn cao do tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bất lợi.
Thêm nữa là tình trạng đất đai bị bạc màu, rửa trôi và canh tác hàng chục năm cà phê đã không con mang lại năng suất cao như trước. Gia đình ông đã chuyển đổi gần 2ha đất sang trồng xoài được 5 năm và đang cho thu hoạch ổn định, sản lượng hàng năm khoảng 30 - 35 tấn.
Với mức giá trung bình 15.000 đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ông Kỷ đang hy vọng, việc được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp thu nhập gia đình tăng cao hơn.
Theo một số nông dân kỳ cựu tại xã Đắk Gằn, cây xoài được một số hộ dân từ tỉnh Đồng Nai đem đến và trồng thí điểm tại đây vào khoảng những năm 1998 – 2000. Các mô hình thí điểm đều thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ nông dân trong xã sau đó đã học theo và chuyển đổi. Mấy năm gần đây, giá cả các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu… xuống thấp và dịch bệnh xuất hiện một số nơi càng thúc đẩy nông dân thay thế cây công nghiệp bằng các loại cây ăn trái; trong đó chủ lực là xoài nhanh hơn.
Ông Trần Văn Khuôn ngụ tại xã Đắk Gằn là chủ một trang trại tổng hợp rộng hơn 15ha, thu nhập hàng năm cả tỷ đồng. Ông Khuôn cho biết, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tại đây phù hợp với nhiều loại cây ăn trái, như xoài, mãng cầu, na, ổi…
Tuy nhiên, hiện nay điều làm nông dân lo lắng là sản lượng xoài đang tăng mạnh từng năm, nhưng đầu ra vẫn chưa thực sự ổn định. Gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong xã khá băn khoăn trước “trào lưu” chuyển đổi đất sang trồng xoài do lo lắng cung vượt cầu, giá xoài có thể giảm mạnh trong các năm tới.
Theo UBND xã Đắk Gằn, mặc dù là vùng đất có lượng mưa ít, nhiệt độ trung bình hàng năm cao nhất nhì cả tỉnh, nhưng đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tại Đắk Gằn và một số khu vực lân cận rất phù hợp với các loại cây ăn trái. Mấy năm gần đây, hàng trăm hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đã có thu nhập rất cao, nổi bật và chiếm diện tích lớn nhất là cây xoài.
Ông Phạm Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn nhận định, hiệu quả kinh tế từ việc trồng xoài mang lại khá cao và thu nhập của các hộ tương đối ổn định. Đây có thể là loại cây mang lại thu nhập chủ lực cho nông dân xã Đắk Gằn.
Tuy nhiên, UBND xã Đắk Gằn khuyến cáo bà con không nên sản xuất đại trà vì có thể khó khăn đầu ra. UBND xã kiến nghị cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang canh tác theo các quy chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hoặc hữu cơ sinh học…
Bà Nguyễn Thị Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Mil cho biết, phương hướng của huyện là định hướng nông dân phát triển các loại cây ăn trái theo hướng gắn kết với thị trường tiêu thụ.
Các sản phẩm có thế mạnh, diện tích, sản lượng lớn sẽ ưu tiên phát triển theo các tiêu chuẩn an toàn và tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.
Trước mắt, huyện sẽ phối hợp với các địa phương và người dân triển khai một số mô hình thí điểm và đề nghị cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt chuẩn. Mục đích nhằm tuyên truyền, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, thói quen canh tác mới để nhân rộng sau này.
Việc phát triển các mô hình trồng cây ăn trái nói chung và xoài nói riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cần được đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh nông dân đang mạnh dạn chuyển đổi và người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng với các sản phẩm nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đạt chuẩn nông nghiệp sạch.
Chỉ tính riêng xã Đắk Gằn và tính riêng cây xoài, tổng sản lượng trong thời gian tới đây có thể lên đến 15.000 – 20.000 tấn mỗi năm
Có thể bạn quan tâm
Qua nghiên cứu và tiến hành sản xuất thử nghiệm ở nhiều tỉnh vùng trung du, NOMAFSI đã tuyển chọn giới thiệu một số giống cây trồng mới, tiêu biểu cho vùng
Với máy phun thuốc, ưu điểm là hoạt động bền, ít tiêu hao nhiên liệu, áp suất phun đảm bảo đều khắp ruộng rau, tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động
Người dân trồng mận ở thung lũng hoa Mường Lống (Kỳ Sơn) đang rất phấn khởi bởi năm nay mận chín sớm, bán được giá cao.