Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Hiệu quả từ việc luân canh cây trồng trên đất lúa

Hiệu quả từ việc luân canh cây trồng trên đất lúa
Tác giả: Tuyết Xuân
Ngày đăng: 23/07/2019

Cùng với việc giúp người dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất lúa, Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Sóc Trăng (VnSAT-ST) đã hỗ trợ người dân ở vùng dự án biết cách ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng màu trên nền đất lúa cho thu nhập cao hơn sản xuất lúa cùng thời vụ gieo trồng.

Ông Trần Xều Họt ở ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) trồng dưa hấu dưới đất ruộng cho năng suất cao.

Ông Trần Xều Họt ở ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) cho biết: “Do có kinh nghiệm trồng màu lâu năm nên gia đình tôi được Dự án VnSAT-ST hỗ trợ thực hiện mô hình trồng dưa hấu trên đất ruộng thay cho vụ trồng lúa kém hiệu quả và đã thu hoạch trong tháng 3 vừa qua”. Qua thời gian áp dụng mô hình, ông Họt nhận định: “Dưa hấu là loại cây ngắn ngày, cho năng suất cao và lợi nhuận khá. Do sử dụng đất lúa vừa thu hoạch xong để trồng dưa, không cần phải làm đất. Tổng chi phí đầu tư tính từ giống, phân bón, chăm sóc… khoảng 8 triệu đồng/công; năng suất thu hoạch đạt 4,5 tấn/công, bán được giá 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư thu lãi được khoảng 14 triệu đồng/công. Việc luân canh trồng dưa hấu trên đất lúa giúp hạn chế được sâu, bệnh hại rất nhiều. Mô hình trồng dưa hấu sử dụng nguồn phân hữu cơ (phân gà) nên giảm sử dụng phân urê khoảng 30%, giúp giảm chi phí và cho năng suất cao hơn từ 20% đến 30% so với ruộng dưa ngoài mô hình, cho trái chất lượng hơn và bảo quản cũng lâu hơn”.

Mô hình trồng dưa leo trên đất ruộng của hộ anh Phan Văn Đen ở ấp An Tập, xã An Hiệp (Châu Thành) cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Còn hộ anh Phan Văn Đen, ấp An Tập, xã An Hiệp (Châu Thành) được Dự án VnSAT-ST hỗ trợ thực hiện mô hình trồng dưa leo dưới đất ruộng, với diện tích 3 công. Chia sẻ về hiệu quả của mô hình, ông Đen bộc bạch: “Tham gia thực hiện mô hình từ giữa tháng 1 đến tháng 3 là bắt đầu thu hoạch. Trung bình 1 công thu hoạch được gần 2 tấn trái. Do thời điểm thu hoạch bán được giá cao (bình quân bán được 9.000 đồng/kg) nên sau khi trừ tất cả các chi phí thu lãi được hơn 9 triệu đồng/công”. Cũng theo anh Đen, tham gia thực hiện mô hình sẽ được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi luân canh cây màu với lúa. Qua đó, giúp anh Đen cũng như bà con ở đây nâng cao được kiến thức, trình độ trong sản xuất và áp dụng vào sản xuất ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Thực hiện hoạt động tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn hỗ trợ cho nông dân vùng Dự án VnSAT-ST, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng là đơn vị phụ trách kỹ thuật. Theo đó, vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 9 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật “Luân canh cây trồng trên đất lúa” cho 270 hộ thuộc 5 huyện vùng dự án. Kỹ sư Thạch Lai - cán bộ phụ trách mô hình cho biết: “Nông dân tham gia lớp tập huấn luân canh cây trồng đa phần là nông dân đã từng trồng màu xen canh với lúa nên ít nhiều đã có kinh nghiệm trồng xen canh, chính vì thế mà họ tham gia lớp học rất sôi nổi”.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT-ST, thực hiện tập huấn nhằm giới thiệu cho nông dân vùng dự án biết và ứng dụng thành công tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa bền vững, cụ thể là: kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, luân canh cây trồng trên đất lúa và tận dụng phụ phẩm từ lúa. Theo kế hoạch sẽ tổ chức 86 lớp kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho 2.910 nông hộ. Đối với lớp tập huấn kỹ thuật “Luân canh cây trồng trên đất lúa”, sau tập huấn, phấn đấu có 80% trở lên số nông hộ hiểu được lợi ích và biết cách ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng màu trên nền đất lúa.


Có thể bạn quan tâm

Một số kinh nghiệm chăm sóc lúa mùa trong những ngày nắng nóng Một số kinh nghiệm chăm sóc lúa mùa trong những ngày nắng nóng

Vì vậy để cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, xin giới thiệu tới bà con một số kinh nghiệm chăm sóc lúa mùa trong những ngày nắng nóng

19/07/2019
Một số biện pháp kỹ thuật để sản xuất lúa mùa hiệu quả Một số biện pháp kỹ thuật để sản xuất lúa mùa hiệu quả

Năng suất lúa mùa là kết quả tổng hợp của thời tiết, đất đai, giống lúa và việc thực hiện liên hoàn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ.

19/07/2019
Phòng trừ ốc bươu vàng và bệnh thối nhũn lúa sau lũ Phòng trừ ốc bươu vàng và bệnh thối nhũn lúa sau lũ

Tiếp đến ngày 4 và ngày 5-7, mưa lớn lại tiếp tục xảy ra gây lũ lớn làm ngập 111 ha lúa mùa mới cấy, trong đó có 4 ha lúa bị vùi lấp tại 2 huyện Hàm Yên

20/07/2019