Hiệu Quả Từ Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Ở Chư Pah (Gia Lai)
Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.
Kết quả trên nhờ thời tiết trên địa bàn huyện thời gian qua thuận lợi cho cây trồng phát triển; đặc biệt là tập trung nguồn lực chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp. Ước tính, ngân sách huyện đầu tư bình quân trên 200 triệu đồng/năm cho công tác chuyển diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng đậu, rau màu, bắp lai.
Dù một số diện tích lúa đã được chuyển đổi, song diện tích lúa Đông Xuân năm 2012 đạt 1.670 ha, dự ước năm 2013 đạt 1.720 ha; nhờ ngân sách huyện mỗi năm đầu tư 400 triệu đồng duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, vận động nhân dân nạo vét kênh mương tăng năng lực tưới. Theo đó, đã sửa chữa công trình thủy lợi Ia Roey đảm bảo nước tưới cho cây lúa 2 xã Ia Mơ Nông và Ia Ly; sửa chữa cụm đầu mối công trình thủy lợi Ia Sen, xã Ia Ka; triển khai giải pháp thau chua, rửa phèn diện tích trồng lúa bị nhiễm để đưa vào canh tác.
Cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng ngắn ngày thì các loại cây trồng dài ngày như cao su tiểu điền, bời lời, tiêu, mía đang phát triển mạnh ở hầu hết các xã của huyện Chư Pah. Ông Hà Công Thọ, làng Ya, xã Chư Đăng Ya cho biết, nếu so với cà phê thì mía và hồ tiêu trên đất Chư Đăng Ya được xếp vào diện sinh sau đẻ muộn; song đến thời điểm này diện tích trồng mía đạt trên 300 ha cung ứng mía nguyên liệu cho nhà máy đường Kon Tum, lợi nhuận mang lại từ trồng mía giúp nhiều gia đình đổi đời.
Đặc biệt, giá trị kinh tế của cây hồ tiêu mang lại đã thúc đẩy nhân dân trên địa bàn xã nhân rộng diện tích trồng tiêu. Chỉ trong hai năm (2011-2012), nhân dân trong xã đã trồng mới 20 ha hồ tiêu và con số này sẽ còn tăng lên nhờ phong trào nông dân tận dụng quỹ đất, cải tạo vườn tạp trồng tiêu hiện nay.
Nông dân các xã Nghĩa Hưng, Hòa Phú, Ia Khươl cũng đang đầu tư trồng tiêu. Cơ quan chuyên môn của huyện còn xây dựng mô hình điểm trồng tiêu tại xã Ia Phí và Hà Tây từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, hạn chế tối thiểu nạn sâu bệnh hại, giúp cây hồ tiêu phát triển bền vững.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, hồ tiêu xuất hiện trong bản đồ cơ cấu cây trồng của huyện chậm hơn các cây trồng khác, song với đà phát triển như hiện nay, tương lai không xa hồ tiêu sẽ trở thành cây trồng chủ lực cùng với cà phê, cao su tiểu điền, bời lời. Vì vậy, vài năm gần đây, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích cây trồng chủ lực theo đúng quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, đặc biệt bình quân mỗi năm ngân sách huyện đầu tư không dưới 1,3 tỷ đồng cho phát triển cây trồng chủ lực. Từ nguồn kinh phí này, các cơ quan chuyên môn chủ động xây dựng mô hình cải tạo vườn cà phê kém hiệu quả bằng biện pháp ghép cành tại xã Ia Mơ Nông, Ia Ka, Ia Phí, Ia Nhin, Hòa Phú, định suất đầu tư 1 mô hình không dưới 60 triệu đồng, số hộ tham gia 2-3 hộ, diện tích chọn cải tạo vài sào/hộ. Mô hình điểm khơi dậy phong trào nông dân trồng cà phê học tập, áp dụng cách cưa ghép cây cà phê xấu vào vườn nhà mình.
Dự kiến năm 2013 sẽ có 60 ha cà phê đưa vào cải tạo, tăng 30 ha so với năm 2011. Nhờ vậy, năng suất cà phê niên vụ 2012 đạt bình quân 24 tạ nhân/ha, tăng 4 tạ/ha. Cũng bằng hình thức xây dựng mô hình điểm để nhân dân học tập cách trồng, chăm sóc cao su tiểu điền, đến nay diện tích cao su tiểu điền của huyện đạt 1.150 ha, tăng gần 200 ha so với năm 2011. Điều ghi nhận của quá trình phát triển cao su tiểu điền là sự kết hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp hỗ trợ cho dân.
Theo đó, cơ quan chuyên môn định hướng cơ cấu giống, giúp dân tiếp nhận kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su tiểu điền. Các Nông trường Cao su thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đứng chân tại địa bàn các xã đã ươm giống cao su bán cho dân với giá ưu đãi, hỗ trợ thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su. Bên cạnh đó, con em đồng bào dân tộc thiểu số làm công nhân cao su đã hướng dẫn gia đình trồng, chăm sóc cao su tiểu điền.
Nhờ vậy, phong trào trồng cao su tiểu điền phát triển mạnh, hình thành vùng chuyên canh cao su tại các xã: Hà Tây, Ia Khươl, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Ia Nhin, thị trấn Phú Hòa… phát triển bên cạnh vùng chuyên canh cây trồng ngắn ngày tại các xã Chư Jôr, Chư Đăng Ya và một số xã khác khẳng định nông nghiệp Chư Pah đang phát triển đúng hướng.
Có thể bạn quan tâm
Đó là mô hình chăn nuôi gà xương đen của gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông (Hà Giang), mỗi năm cho thu lãi trên 60 triệu đồng.
Từ khi chuyển qua trồng sơ ri trên đất phèn, hơn 100 hộ dân ở xã Mỹ Thuận (H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã từng bước ổn định kinh tế, vươn lên khá giả.
Nhờ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, gia đình anh Phan Trí Khái, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) có nguồn thu nhập ổn định hàng n
Đã có thú vui nuôi cá đĩa từ năm 1996 nhưng mãi năm 2006, anh Thái Văn Hiếu mới chính thức đầu tư nuôi loại cá này để kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Chim khổng lồ - đà điểu là loài dễ nuôi. Để nuôi đà điểu như một nghề mang lại lợi nhuận cao là điều không dễ dàng cho những hộ nông dân thiếu thông tin