Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Các Mô Hình Trồng Rau An Toàn

Hiệu Quả Từ Các Mô Hình Trồng Rau An Toàn
Ngày đăng: 27/02/2014

Trong năm 2013, ngành Nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn về các loại rau theo hướng an toàn, không chỉ đạt lợi nhuận cao mà còn giúp nông dân tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất.

Vụ hè thu 2013, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đắk Song đã triển khai mô hình trồng bắp cải an toàn với quy mô 1 ha tại xã Thuận Hà.

Trong quá trình triển khai, nông dân đã được đầu tư về phân bón, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu vệ sinh đồng ruộng, làm đất và cả trong quá trình phát triển của cây bắp cải. Cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên cây rau và bảo đảm thời gian cách ly an toàn cho môi trường và người tiêu dùng. Kết quả, mô hình đem lại lợi nhuận kinh tế cao, đạt trên 195 triệu đồng/ha.

Ông Ngô Văn Đức, một trong những hộ dân tham gia thực hiện mô hình cho biết: “Tôi trồng bắp cải đã nhiều năm nay và chủ yếu trồng theo kinh nghiệm nên rủi ro rất cao. Vụ hè thu vừa qua, tôi đã được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nên đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải sử dụng giống có năng suất cao, chất lượng tốt, sử dụng một số phân vi sinh, bón phân cân đối hợp lý, phòng trừ sâu bệnh đúng thời vụ, đúng thuốc, đúng bệnh và phải bảo đảm thời gian cách ly an toàn”.

Tương tự, từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông (Dự án 3EM), mô hình trồng bí đỏ an toàn với quy mô 3 ha tại xã Đắk N’Drung cũng đã được thực hiện thành công.

Kết quả mô hình cho thấy, cây bí đỏ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương nên sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Sau hơn 3 tháng, cây bí cho quả trung bình từ 3,0-3,5 kg/cây, năng suất đạt trung bình 15 tấn/ha, với giá bán 9.000 đồng/kg, thu nhập đem lại từ 1 ha trồng bí là gần 114 triệu đồng.

Theo các hộ dân tham gia mô hình thì trồng bí đỏ vụ hè thu muộn cho năng suất khá cao, lại được giá nên đem lại hiệu quả kinh tế khá, trong khi đó yêu cầu kỹ thuật không quá khắt khe, phù hợp với điều kiện canh tác. Từ thành công này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã học hỏi nhân rộng và tiếp tục đầu tư trồng bí đỏ an toàn trong vụ đông xuân 2013-2014.

Với mục tiêu từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, không gây ô nhiễm môi trường, từ nguồn vốn chương trình khuyến nông năm 2013, vụ hè thu 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã triển khai mô hình trồng rau ăn lá an toàn với tổng diện tích 1,1 ha tại thị xã Gia Nghĩa và các huyện Đắk R'lấp, Tuy Đức.

Các loại rau ăn lá được triển khai gồm cải xanh, cải ngọt và cải bắp. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thì trồng rau an toàn khác với trồng các loại rau thông thường là yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chí về rau an toàn. Vì vậy, đơn vị đã chú trọng hướng dẫn cho người dân hiểu biết rõ về quy trình sản xuất rau an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ được sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, đảm bảo thời gian cách ly và theo nguyên tắc 4 đúng, kết hợp tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục ủ với men Tricoderma và ứng dụng phân sinh học wehg vào sản xuất rau ăn lá.

Các hộ dân đã dần tiếp cận và áp dụng quy trình quản lý dịch hại trên cây rau, có ý thức sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, hạn chế được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong môi trường và sản phẩm rau. Các quy trình này đã góp phần bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, các vi sinh vật có lợi, cân bằng sinh thái, đồng thời bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội.

Ông Vũ Hữu Đào, thôn 2, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) cho biết: “Trồng rau theo hướng an toàn không chỉ bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn cho chính bản thân người trồng rau về lâu dài. Tôi mong rằng, sau khi thực hiện mô hình, cán bộ nông nghiệp vẫn tiếp tục hướng dẫn thêm về các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sát cánh cùng nông dân để sản xuất rau sạch”.

Ông Vũ Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wer cho biết: “Mô hình trồng rau an toàn cần được tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng. Bởi, rau an toàn không chỉ đảm bảo nguồn rau sạch cung cấp cho thị trường mà còn không ảnh hưởng tới sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời nâng cao thu nhập cho các hộ dân”.

Có thể nói, mô hình trồng rau an toàn đem lại nhiều lợi ích, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để tiến tới sản xuất rau theo các tiêu chuẩn cao hơn, hướng tới một nền sản xuất sạch và bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai) Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai)

Những năm trước đây ở xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú - Đồng Nai) từng xảy ra tình trạng nông dân trồng bắp nhưng đến mùa thu hoạch lại không có hạt, khiến nhiều người điêu đứng. Gần đây, hiện tượng này lại tiếp tục xảy ra ở các xã Tà Lài và Phú Lập (huyện Tân Phú - Đồng Nai). Nhiều ruộng bắp đã đến ngày thu hoạch nhưng không có hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt.

06/04/2013
Giá Cá Tra Nguyên Liệu Tăng Ở Giá Cá Tra Nguyên Liệu Tăng Ở

Đầu tháng 4/2013, giá thức ăn nuôi cá tra (loại 26 độ đạm) đã giảm 300 đồng/kg so với tháng trước và hiện đang dừng lại ở mức 11.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu (loại trọng lượng 700g – 1,3kg/con) hiện tăng khoảng 1.000 đồng/kg so tháng 3 vừa qua.

08/04/2013
Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Xen Canh Ở Quảng Ngãi Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Xen Canh Ở Quảng Ngãi

Nhiều năm trở lại đây các mô hình thâm canh, xen canh ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Trong đó, mô hình trồng mì xen quế, mì xen keo đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Minh Long (Quảng Ngãi).

09/04/2013
Sò Huyết Ô Loan “Đổi Hình Thay Dạng” Sò Huyết Ô Loan “Đổi Hình Thay Dạng”

Sò huyết ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là đặc sản nổi tiếng vì thịt dai, ăn ngọt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân sống ven đầm đã đi thu mua sò huyết từ các nơi về bán cho du khách dưới thương hiệu sò huyết Ô Loan!

10/04/2013
Hiệu Quả Của Giải Pháp Nuôi Luân Canh Tôm Chân Trắng, Cá Rô Phi Ở Phú Yên Hiệu Quả Của Giải Pháp Nuôi Luân Canh Tôm Chân Trắng, Cá Rô Phi Ở Phú Yên

Từ năm 2001 đến nay, do dịch bệnh, thua lỗ, diện tích nuôi tôm ngày càng giảm, tốc độ giảm bình quân 2,91%/năm. Năm 2012, diện tích nuôi tôm giảm, chỉ còn 2.112 ha, giảm 15,5% so năm 2011, nhưng diện tích tôm bệnh lại tăng, lên đến 870,1 ha, gấp 2 lần so năm 2011 (năm 2011 diện tích tôm bệnh: 434,5 ha).

10/04/2013