Hiệu quả nuôi tôm vụ đông ứng dụng công nghệ cao
Mùa đông thời tiết giá lạnh gây nhiều khó khăn cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Để khắc phục khó khăn, đáp ứng tăng vụ, nhiều năm qua các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có giải pháp đầu tư mô hình công nghệ cao để nuôi tôm vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm vụ đông
Trong thời tiết se lạnh, chúng tôi đến thăm vùng nuôi trồng thủy sản xã Nam Phú (Tiền Hải), khi phần lớn các hộ nuôi tôm quảng canh đang cải tạo, vệ sinh ao đầm cho vụ nuôi xuân hè năm 2024 thì diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Lê Văn Vinh vẫn phát triển ổn định trước nhiệt độ mùa đông xuống thấp.
Ông Vinh chia sẻ: Diện tích nuôi thủy sản của gia đình là 6ha, trong đó nuôi tôm 1,5ha. Năm trước tôi đã đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng mô hình công nghệ cao để nuôi tôm vụ đông. Diện tích nuôi tôm được xây dựng cố định, phủ bạt nilon đã giúp điều chỉnh nhiệt độ tốt hơn trong giai đoạn thời tiết nhiệt độ xuống thấp ở mùa đông. Hiệu quả kinh tế đem lại nuôi tôm vụ đông tăng gấp 1,5 lần so với sản xuất 2 vụ chính do thị trường tôm thương phẩm cuối năm không được dồi dào, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán nhu cầu mua tôm của người tiêu dùng tăng mạnh. Hiện nay, tôm thẻ đang phát triển tốt, bảo đảm kích cỡ khi bán vào dịp tết Nguyên đán 2024. Năm 2022, hiệu quả kinh tế nuôi tôm vụ đông của tôi lợi nhuận đạt 500 triệu đồng.
Còn đối với anh Nguyễn Xuân Sứ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, nhiều năm qua diện tích nuôi tôm công nghệ cao đã mang lại lợi nhuận ổn định. Anh Sứ chia sẻ: Tôi luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách cải tiến hình thức nuôi tôm, trong đó áp dụng công nghệ cao để nuôi tôm vụ đông. Vụ đông thời tiết lạnh, tôm chậm lớn nên thời gian nuôi kéo dài 4 – 5 tháng mới đạt trọng lượng để thu hoạch. Điều này kéo theo những rủi ro bởi dịch bệnh, rồi những biến thiên về môi trường. Do đó, từ năm 2019, tôi mạnh dạn chuyển đổi nuôi tôm từ hình thức quảng canh cải tiến sang mô hình công nghệ cao. Tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng trên diện tích 5ha tại xã Thái Thượng, Thái Đô. Nhờ đầu tư đồng bộ khu ao nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng đạt từ 18 – 20 tấn/ha. Trừ chi phí tôi lãi trên 300 triệu đồng/ha.
Mô hình nuôi tôm vụ đông của hộ dân huyện Thái Thụy.
Mở rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Tôm là loài thủy sản phổ biến và được nuôi nhiều ở các tỉnh thành ven biển của nước ta. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan ngại là việc nuôi tôm mùa đông ở một số tỉnh ven biển miền Bắc rất khó khăn, do mùa đông nhiệt độ xuống thấp. Thế nhưng giờ đây, điều này đã được khắc phục nhờ sự phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Với mô hình này, người nuôi tôm sử dụng hệ thống mái che bằng các tấm bạt nhựa để che phủ cho các ao nuôi. Môi trường ao nuôi này sẽ được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Từ đó có thể cách ly được với các yếu tố gây bệnh cho tôm, giúp nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng tôm khi đến vụ thu hoạch. Nuôi tôm công nghệ cao nhiều hộ dân ở Tiền Hải, Thái Thụy đã chủ động sản xuất được tôm vụ đông, nâng sản xuất từ 2 vụ lên 4 vụ/năm. Ước tính mỗi héc-ta đạt từ 18 – 20 tấn/vụ. Trong khi giá bán ra cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với tôm chính vụ. Đến nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh đạt trên 200ha. Tuy nhiên, muốn triển khai nuôi tôm theo công nghệ cao đòi hỏi chi phí ban đầu bỏ ra là rất lớn. Đây là khó khăn đối với các hộ nuôi thủy sản khi muốn áp dụng mô hình này.
Để giúp bà con nuôi trồng thủy sản trước khi bước vào vụ đông, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi về phương pháp nuôi, xử lý ao đầm, phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thường xuyên lấy mẫu quan trắc môi trường nước, thông báo rộng rãi kết quả để làm cơ sở cho các hộ dân có các biện pháp xử lý phù hợp. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, tiết kiệm được nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh trên diện tích nuôi tôm vụ đông.
- Oxy hoà tan cao
- Tạo dòng mạnh, xi phong tốt
- Ưu điểm:
+ Tiêu thụ điện năng thấp
+ Tiêu chuẩn ISO-9001
+ Chất lượng vượt trội
- Ứng dụng:
+ Nuôi tôm thâm canh
+ Nuôi tôm trong nhà
+ Hệ thống ương nuôi tôm
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa đang được bà con nông dân vùng sản xuất lúa – tôm trên địa bàn huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) nhân rộng.
Sử dụng con giống, phương thức nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học, quản lý ao nuôi hiệu quả… là giải pháp quan trọng góp phần tăng năng suất trong nuôi tôm.
Nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật, chủ động phòng chống dịch bệnh, năm nay, người nuôi trồng ở Hà Tĩnh đã thu hoạch 5.800 tấn tôm thương phẩm.