Hiệu quả mô hình trồng lúa bằng sữa tươi
Mô hình canh tác lúa của của ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã) cả vụ chỉ sử dụng sữa tươi, hột gà và phân lân Địa Long phun cho lúa.
Từ hạt lúa sản xuất hữu cơ, sấy cho ra loại gạo sữa Dương Xuân Quả chất lượng thơm ngon.
Tại xã Phú Xuân (Phú Tân, An Giang), ông Dương Xuân Quả canh tác 8ha lúa OM4900 theo hướng an toàn. Ông còn hợp đồng với nông dân bên ngoài sản xuất thêm 40ha. Cách làm của ông Năm Nhã là hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV. Thay vào đó, ông bón vôi lân Địa Long với trứng gà (sản phẩm có chứa nhiều nguyên tố trung lượng và vi lượng, có các vi sinh vật cố định đạm và phân giải lân).
Ngoài ra, ông kết hợp phun bổ sung dinh dưỡng vào thời điểm 10 ngày và 45 ngày sau cấy. Trong quá trình canh tác, ông dùng nước ém cỏ cho chết (không xài thuốc diệt cỏ). Với kiểu canh tác mới, lúa vẫn đạt năng suất cao nhưng giảm được giá thành sản xuất từ 25-30%. Quan trọng hơn là tạo ra sản phẩm gạo an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế tối đa việc dùng phân, thuốc hóa học, vốn ảnh hưởng xấu đến đất và môi trường sống.
Từ giống lúa OM4900, khi áp dụng công nghệ sấy ở độ ẩm thấp (dưới 12%), ông Dương Xuân Quả, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả (trụ sở ở phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, An Giang) đã tạo ra hạt gạo có màu trắng đục như sữa, xây dựng thương hiệu “Gạo sữa Dương Xuân Quả”. Sản phẩm độc đáo này vừa được xét công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020).
Ông Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp nhận định, mô hình sản xuất gạo sữa của ông Dương Xuân Quả theo hướng hữu cơ sinh học là hướng đi đúng. Tuy nhiên năng suất đạt tương đối, nếu được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định và lúa có giá tốt thì nông dân sẽ học hỏi làm theo ngày càng nhiều.
Hiện tại An Giang có hàng trăm HTX nông nghiệp sẵn sàng làm lúa theo hướng hữu cơ khi có nhu cầu của doanh nghiệp đặt hàng.
Cuối tháng 11/2020 mô hình canh tác lúa theo hướng sạch của ông ở vụ thu đông đã bước vào đợt thu hoạch, năng suất đạt gần 6,5 tấn/ha. Cũng theo cách sản xuất lúa hữu cơ này, vụ Đông Xuân đạt năng suất 7,1 tấn/ha, vụ Hè Thu đạt 5,6 tấn/ha…
Từ cách sản xuất an toàn nói trên, sau khi lúa thu hoạch được ông Năm Nhã đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân để làm thương hiệu “Gạo sữa Dương Xuân Quả” thông qua công nghệ sấy đục.
Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ nghe thông tin trên báo đài ở huyện Phú Tân có mô hình sản xuất lúa của ông Dương Xuân Quả theo hướng hữu cơ sinh học, đã tìm đến tham quan học hỏi.
Ông Hòa cho biết, ông sản xuất lúa hàng chục năm nay với 2ha đất nhà, thường sử dụng phân, thuốc hóa học nên đất thoái hóa, nhiều sâu bệnh, năng suất không cao. Khi tham quan cánh đồng không sử dụng thuốc hóa học, ông cầm bông lúa lên tay rất bất ngờ vì có nhiều bông, ít hạt lép, hạt sáng chắc no đến cậy, cây khỏe… Mặt khác, chi phí đầu tư thấp, năng suất từ bằng đến cao hơn so với sản xuất truyền thống. Sang vụ Đông Xuân 2020-2021 ông sẽ trồng thử khoảng 5 công áp dụng phương pháp hữu cơ...
Ông Năm Nhã cho biết: Để có sản phẩm gạo sữa hoàn hảo, ông đã thử nghiệm nhiều loại gạo, sau đó chọn lúa OM 4900 để sấy thành gạo sữa cung cấp cho thị trường.
Để làm ra hạt gạo sữa đạt chất lượng, trước tiên lúa còn ở ngoài đồng phải có độ chín vừa phải, sau đó cho thu hoạch đem đi sấy từ 45- 48 giờ với nhiệt độ thấp hơn so với sấy lúa thông thường. Lúa sấy xong ủ l24 tiếng đồng hồ mới xay xát thành gạo, tất cả các công đoạn phải đòi hỏi đúng quy trình.
Cụ thể lúa thu hoạch đúng độ chín sẽ giúp tăng tỷ lệ thu hồi gạo, đồng thời sấy hạt gạo sẽ không bị gẫy, giữ độ nguyên vẹn hạt gạo lên đến 97%, nấu chín cơm sẽ mềm dẻo.
Cùng một loại lúa, nếu sấy đạt độ ẩm bình thường (14-15%), hạt gạo sẽ trong, mùi thơm giảm đi, để nguội không còn ngon, ăn ngán. Trong khi đó, khi sấy độ ẩm thấp, gạo thơm ngon hơn, tỷ lệ tấm thấp (dưới 3%), nấu cơm ăn ngon miệng, ít ngán mà để được lâu. Sản phẩm gạo sữa Dương Xuân Quả đã đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi cá – lúa đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân. Đó cũng là hướng đi mới trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Với quy mô hơn 20.000 con gà được chăn nuôi theo hướng VietGAP, mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (Trực Hùng, Trực Ninh, tỉnh Nam Định)
Ông Thịnh, người nuôi hàng nghìn con lươn trong can nhựa ở Hậu Giang, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng có những chia sẻ bất ngờ về kỹ thuật nuôi lươn