Hiệu quả mô hình trồng chuối xiêm
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, những năm qua, chính quyền địa phương xã Phước Hưng (An Phú) đã tích cực vận động nông dân (ND) chuyển diện tích đất ruộng, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao và được ND nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó, mô hình trồng chuối xiêm của anh Phạm Thanh Phong (ngụ ở ấp Phước Khánh)được đánh giá nhiều tiềm năng.
Một trong những ưu điểm của cây chuối xiêm là có thể trồng trên vùng đất nhiễm phèn
Cây chuối xiêm dễ trồng
Là một trong những ND đi đầu trong việc phát triển mô hình trồng chuối ở địa phương, anh Phong cho biết, sau nhiều năm “lăn lộn” với cây lúa, anh nhận thấy cây trồng này cho thu nhập bấp bênh do thường bị tình trạng “được mùa, mất giá”. Thêm vào đó là thổ nhưỡng không thích hợp, đất bị nhiễm phèn nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn...
Năm 2016, anh Phong mạnh dạn chuyển đổi 4.000m2 đất trồng lúa để lập vườn trồng cây ăn trái. Nhận thấy mặt hàng chuối xiêm được người tiêu dùng ưa chuộng và dễ bán nên anh quyết định mua 300 cây chuối của người dân ở địa phương trồng thử nghiệm. Sau hơn 1 năm chăm sóc, lứa chuối đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch, gia đình anh bán được trên 10 triệu đồng.
Anh Phong chia sẻ: “Tôi nhận thấy trồng chuối xiêm cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác. Ngoài ra, loại cây trồng này thích nghi với nhiều loại đất, kể cả đất phèn nên không phải lo lắng về năng suất”.
Theo anh Phong, chuối xiêm rất dễ trồng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, không tốn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ưu điểm của cây chuối xiêm là có thời gian sinh trưởng nhanh, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 9-12 tháng. Nếu trồng đúng kỹ thuật, cây sẽ cho trái lớn, trổ buồng sai, bình quân 6-8 nải/buồng.
Ngoài ra, việc nhân giống dễ dàng, trong thời gian thu hoạch chuối, cây chuối mẹ sẽ cho ra các cây con. Cây chuối mẹ sau khi thu hoạch xong, khoảng 6 tháng sau là cây con có thể thu hoạch đợt tiếp theo. Trồng 1 lần có thể thu hoạch trong nhiều năm, nhờ vậy những đợt sau tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất.
Về khâu chăm sóc, anh Phong cho biết, chuối được anh trồng theo hình thức lên liếp cao, mỗi hàng cách nhau 3m, cây cách cây 4m. Để cây chuối phát triển tốt, sau khi thu hoạch anh Phong tiến hành cắt tỉa bớt lá để cây phát triển, cũng như dọn sạch phần lá khô bám thân cây nhằm tránh các loại mò đeo theo làm ảnh hưởng chất lượng và hình thức trái. Ngoài ra, cần phải dọn sạch đất để giảm nguy cơ bị sùng gây hại. Bên cạnh đó, phải bổ sung nước vào mùa nắng và tháo nước vào mùa mưa để tránh tình trạng ngập úng rễ...
Nhân rộng mô hình trồng chuối
Hiện nay, chuối xiêm có thị trường tiêu thụ khá rộng ở địa phương, các huyện lân cận cũng như thị trường Campuchia. Đặc biệt, so với các loại chuối khác, chuối xiêm được tiêu thụ mạnh vì chất lượng trái thơm, ngon.
Anh Phong cho biết, giá mỗi nải chuối được bán với giá khoảng 8.000 đồng. Đặc biệt, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán nhu cầu mua chuối của người dân tăng cao nên giá chuối những ngày này cao hơn ngày thường. Ngoài bán trái, gia đình anh còn bán bắp chuối và lá chuối cho các hộ dân ở địa phương, số tiền này giúp anh trang trải cuộc sống hàng ngày.
Theo anh Phong, trong khi phát triển các loại cây trồng khác gặp nhiều rủi ro cũng như cần đầu tư nhiều vốn để canh tác thì việc phát triển mô hình trồng chuối lại có chi phí thấp, mà giá trị kinh tế khá cao, ít rủi ro. Với đầu ra và giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn... chuối xiêm có thể xem là cây trồng phù hợp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng Nguyễn Minh Trí cho biết, trồng chuối xiêm là một trong những mô hình cho thu nhập ổn định, đặc biệt thích nghi với vùng đất bị nhiễm phèn. Hơn nữa, chuối xiêm là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc nên có nhiều triển vọng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh lây lan trên vườn cây ăn trái. Vì vậy cần có nhiều biện pháp đồng bộ để quản lý.
Tại các tỉnh phía Bắc, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 7 tiếp tục vũ hóa. Rầy cám lứa 7 nở gây hại diện rộng trên các trà lúa và trên các giống nhiễm
Mỗi năm gia đình anh Phi “bỏ ống” được trên 200 triệu đồng. Để luôn có được nguồn thu nhập cao nói trên, anh Phi đã kết hợp thâm canh nhãn ăn quả đặc sản