Hiệu quả mô hình nuôi vịt chuyên trứng theo chuỗi liên kết
Mang Thít là huyện thuần nông với lợi thế phát triển chăn nuôi vịt, tuy nhiên, thời gian qua chăn nuôi vịt gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết khắc nghiệt.
Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020”. Dự án được thực hiện trên địa bàn huyện Mang Thít với 8 hộ tham gia, quy mô 4.000 con.
Đến nay, đàn vịt đã hơn 4 tháng tuổi, tỷ lệ đẻ đạt gần 50%, cho năng suất mỗi ngày khoảng 1.600 trứng/3.500 con; còn 1 điểm mô hình nuôi 500 con vịt bố mẹ để sản xuất vịt con cung cấp cho các hộ trong vùng dự án chuẩn bị đầu tư mới. Chuỗi liên kết đã hình thành và ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ trứng với giá cao hơn giá thị trường theo thời điểm là 50 đồng/trứng. Ước tính, khi tỷ lệ đẻ trứng đạt yêu cầu kỹ thuật dự án, thì với quy mô 500 con/hộ nuôi nhốt hoàn toàn, lợi nhuận mỗi hộ thu được khoảng 250.000- 320.000 đồng/ngày. Nuôi theo chuỗi liên kết, bà con thực hiện mô hình sẽ có lợi nhuận cao hơn bình thường khoảng 600.000 đồng/tháng.
Trong mô hình chuỗi liên kết, điển hình có hộ anh Lê Thanh Quang ở ấp Tân Hiệp (Tân Long - Mang Thít) nuôi vịt đạt tỷ lệ sống cao nhất (98%), vịt đẻ giai đoạn nuôi 3,5 tháng tuổi, chất lượng trứng đạt cao hơn các hộ khác. Anh cho biết, khi vịt được 18 ngày tuổi, anh quan sát để chọn con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn để làm vịt mái đẻ. Cứ 30 con mái thì nuôi kèm 1 con trống để phối giống.
Anh Quang cũng lưu ý bà con, trong quá trình vịt đẻ, phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng; ngoài việc tiêm phòng vắc-xin định kỳ không được tiêm bất cứ loại kháng sinh nào vì nếu tiêm kháng sinh, vịt sẽ ngừng đẻ. Ngoài ra, cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên; chú ý phòng các bệnh thường gặp trên vịt như cúm gia cầm, tụ huyết trùng, bệnh tả, bệnh phó thương hàn...
Ngoài ra, để vịt đẻ đều, trứng to, cần dùng đèn chiếu sáng bổ sung vào ban đêm (khoảng 3 - 5 giờ/đêm). Chiếu sáng hợp lý sẽ kích thích vịt đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống.
Anh cho biết thêm, để trứng không bị bẩn và vỡ, nên thu nhặt 2-3 lần/ngày, vào lúc 2-3 giờ chiều và 3-4 giờ sáng. Sau khi thu nhặt trứng thì xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát để trứng được tươi lâu.
Mô hình chăn nuôi mới này trên địa bàn huyện Mang thít đã tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mang tính bền vững cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, thuận tiện truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết chuỗi để ổn định đầu ra.
Có thể bạn quan tâm
Giống lúa thuần Vật tư - NA6, được Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ lai tạo từ tổ hợp lai TBR18/BM9962 từ năm 2009 với tên gọi AN1.
Nhờ năng động, sáng tạo trồng dứa giống mới, cây dược liệu, “du mục” vào Tây Nguyên trồng dưa hấu giúp bà con thu nhập cao.
Nông dân trồng việt quất ở miền Bắc Chile đang chuyển sang sản xuất hữu cơ trong bối cảnh sản lượng loại trái cây bổ dưỡng được ví như "thuốc trường sinh"