Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá rô phi

Hiệu Quả Mô Hình Lưu Trú Cá Rô Phi, Chim Trắng Qua Đông

Hiệu Quả Mô Hình Lưu Trú Cá Rô Phi, Chim Trắng Qua Đông
Ngày đăng: 27/02/2014

Sau một vụ thử nghiệm, đến nay mô hình lưu trú cá rô phi, chim trắng qua đông đạt kết quả khả quan. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động con giống để thâm canh tăng sản lượng.

Cá rô phi và cá chim trắng là hai loại cá có giá trị kinh tế cao, tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, có đặc tính nổi trội là ăn tạp, có khả năng thâm canh cao, dễ áp dụng cho các hình thức nuôi khác nhau. Nhưng trong nhiều năm qua việc cung ứng giống thường gặp nhiều khó khăn.

Tháng 4 đến tháng 5 mới có cá giống đưa từ miền Nam ra giá thành cao, lượng giống không đáp ứng được nhu cầu và thời vụ. Trước thực tế trên, tháng 9-2009, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai xây dựng mô hình nuôi giữ cá qua đông bằng biện pháp thủ công và gia nhiệt tại các xã Bình Dương, Giang Sơn (Gia Bình), Trung Chính (Lương Tài) với diện tích 2.000 m2/mô hình.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ toàn bộ kinh phí lắp đặt thiết bị gia nhiệt, 50% giá giống và 20% chi phí thức ăn. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh còn giới thiệu nơi tiêu thụ giống. Biện pháp gia nhiệt sử dụng hệ thống dẫn khí nóng chạy vòng quanh đáy ao, cuối đường ống đặt một máy hút khí hoặc sử dụng hệ thống dẫn nước nóng bằng ống nhôm 3 lớp dẫn nước nóng liên tục xuống ao nhằm tăng nhiệt độ vùng đáy ao.

Trong quá trình triển khai thử nghiệm, Chi cục Thủy sản tỉnh luôn bám sát các hộ, hướng dẫn khoa học kỹ thuật: chuẩn bị ao nuôi, thả cá đúng quy trình, vận hành hệ thống gia nhiệt… đồng thời chỉ đạo phòng chống bệnh tật, chống rét cho đàn cá giống.

Tại mô hình của gia đình ông Nguyễn Duy Kiếm, thôn Phương Độ, xã Bình Dương (Gia Bình), theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, trước khi đưa cá giống vào nuôi, ông Kiếm tháo nước, tẩy trùng ao bằng bột vôi với liều lượng 10 kg/100 m2, trang phẳng đáy ao phơi nắng trong vòng 1 tuần.

Cùng với đó, ông tiến hành lọc nước sạch vào ao đủ độ sâu 2m bằng hệ thống đăng chắn để tránh cá dữ, cá tạp; sử dụng phân chuồng ủ bón lót gây màu cho ao trước khi thả 4-5 ngày nhằm đảm bảo thức ăn tự nhiên cho cá; thả bèo tây đạt 1/3 diện tích ao.

Sau khi chuẩn bị ao nuôi, ông Kiếm thả 40.000 cá rô phi và 10.000 cá chim trắng giống (mật độ trung bình 20 con/ m2) đồng thời tắm bằng nước muối với nồng độ 2-3% trong thời gian 5-10 phút. Đầu tháng 12 khi nhiệt độ xuống thấp, ông tiến hành đưa thêm nước vào ao, đạt độ sâu 3 m.

Về quy trình chăm sóc, thức ăn chủ yếu cho cá dạng viên nổi có hàm lượng đạm từ 25-30%, liều lượng 6-10% khối lượng cá trong ao mỗi ngày, hàng ngày cho cá ăn 2 lần (từ 8-9 giờ và 14-15 giờ); trong những ngày thời tiết giá lạnh, khi nhiệt độ nước xuống dưới 18oC, cho cá ăn tại khu vực có bố trí hệ thống gia nhiệt hoặc buổi trưa có ánh nắng, đồng thời phải vận hành hệ thống gia nhiệt để ổn định nhiệt độ nước khu vực trú đông cho cá, bảo đảm nước trong ao luôn đạt độ sâu 2,5-3m và thực hiện tốt vệ sinh môi trường ao nuôi thanh trùng nước trong ao nuôi bằng vôi bột định kỳ 7-10 ngày/lần với liều lượng 1-2kg/100m2.

Sau 4 tháng nuôi (từ tháng 10- 2009 đến tháng 2-2010) cá rô phi đạt trọng lượng 60 con/kg, chim trắng 10-15 con/kg, tỷ lệ sống đạt 80%, với giá bán 800-1.000 đồng/con, mô hình của ông cho thu nhập 35- 40 triệu đồng.

Tuy không đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng mô hình lưu trữ cá rô phi và chim trắng qua đông đã giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động được con giống, tạo điều kiện để đẩy mạnh thâm canh tăng vụ (2-3 vụ/năm) góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới các mô hình cần được bổ sung kinh phí hỗ trợ; từ đó có thể nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ Thuật PCR Cho Bệnh Cá Koi Và Bệnh Vi Khuẩn Trên Cá Rô Phi Kỹ Thuật PCR Cho Bệnh Cá Koi Và Bệnh Vi Khuẩn Trên Cá Rô Phi

Một trong những kết quả chính của Dự án "An toàn sinh học và giám sát chẩn đoán bệnh" thuộc Trung tâm nuôi trồng thủy sản nhiệt đới và cận nhiệt đới

14/11/2013
Bệnh Cá Rô Phi Bệnh Cá Rô Phi

Cá rô phi được nuôi phổ biến ở Châu Á và Mỹ Latin nhưng được tiêu thụ chủ yếu ở Mỹ và Châu Âu với sản lượng tiêu thụ ở Mỹ đạt 300.000 tấn mỗi năm. Các quốc gia sản xuất rô phi chủ yếu bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Philippines, Mexico, Thailand, Đài Loan và Brazil.

15/11/2013
Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính

-Đối với ao nuôi luân canh, xen vụ, một vụ tôm-một vụ cá với mật độ 1-2 con/m2 thì việc chuẩn bị ao nuôi trở nên đơn giản, nhưng chú ý đến vấn đề diệt cá tạp, rắn nước. Có thể bón thêm vôi sống được xay trực tiếp từ đá vôi, vỏ sò, ốc … số lượng từ 300-500 kg/ha và phân hữu cơ (phân heo, gà, trâu, bò …) ủ thật hoai, bón lót vào nền đáy ao từ 300-500 kg/ha.

22/11/2013
Bệnh Ở Cá Rô Phi Và Cách Chữa Trị Bệnh Ở Cá Rô Phi Và Cách Chữa Trị

Một trong những yếu tố quan trọng để tăng năng suất nuôi thâm canh cá rô phi là quản lý tốt sức khỏe vật nuôi. Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có điều kiện khí hậu ấm áp để sản xuất cá rô phi hướng tới mục tiêu xuất khẩu nhưng đồng thời đó cũng là môi trường cho bệnh tật phát triển. Tuy là loài cá nuôi bị sốc với biến đổi của môi trường và có khả năng kháng một số bệnh nhưng trong quá trình ương nuôi cá giống và nuôi cá thương phẩm thường gặp một số bệnh sau:

22/11/2013
Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Phi Cao Sản Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Phi Cao Sản

Cá Rô phi O.Niloticus sống chủ yếu ở nước ngọt, có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở nước biển có độ mặn dưới 20o/oo và thích nghi được với biên độ pH rộng (pH từ 5-11). Cá ưa thích nhiệt độ nước từ 25-32oC, chịu lạnh kém, chết rét khi nhiệt độ từ 11-12oC kéo dài.

23/11/2013