Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hòa An
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hòa An (Chợ Mới) xuất hiện nhiều mô hình hộ nông dân chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vườn bưởi của anh Phúc
Điển hình như mô hình trồng quýt đường của anh Trần Văn Bảo (30 tuổi, ngụ ấp Bình Thạnh 1, xã Hòa An). Được người bạn tư vấn, anh đã mạnh dạn chuyển đổi 6.200m2 đất trồng lúa sang trồng quýt đường.
Anh Bảo cho biết: “Năm 2014, tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng để lên liếp, mua 1.000 gốc quýt đường ở huyện Lai Vung đem về trồng, sau 1,5 năm thì thu hoạch, vụ đầu tiên năng suất đạt gần 1,6 tấn/công. Mỗi năm quýt cho trái, thu hoạch được tới 5-6 đợt. Những năm sau, thu hoạch đạt 3-5 tấn trái/công.
Giá bán bình quân 15.000-25.000 đồng/kg. Khoảng 2-3 tháng đầu tư 30-40 triệu tiền phân thuốc, công chăm sóc, thu hoạch quýt bán được từ 70-100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng.”.
Anh Bảo chia sẻ: “Quýt đường giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Cây quýt cho năng suất cao, dễ chăm sóc, bán được giá và ổn định. Qua 3 năm trồng, tôi học được rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất như: xử lý ra hoa, bón phân, thuốc, lượng nước tưới...”. Với bản tính cần cù, chịu khó, sáng tạo làm giàu từ thửa ruộng, anh xứng đáng là nông dân giỏi cấp Trung ương.
Dọc tuyến đường quanh xã, đâu đâu cũng thấy vườn cam, bưởi, quýt... lứa đang cho trái, nơi cây mới trổ hoa. Chủ tịch UBND xã Hòa An Trần Thanh Tâm dẫn tôi đến vườn bưởi da xanh ruột hồng của anh Nguyễn Tấn Phúc (sinh năm 1970, thường gọi anh Mười Hoàng, ở ấp Bình Thạnh 2) đang say trái, chờ thu hoạch bán chưng Tết.
Nâng niu từng trái bưởi nặng 1-2 kg/trái, anh Phúc hồ hởi cho biết: “Vùng đất này thích hợp cho cây bưởi, cây tốt, cho trái xum xuê, có gốc to bằng cùm tay mà “địu” tới 5-6 trái nặng hơn chục ký”.
Đất này trước đây anh Phúc trồng lúa, nghe trên báo-đài thấy nông dân trồng cây có múi hiệu quả, anh làm thử. Ban đầu là cây mãng cầu gai thu hoạch cũng khá, giá cao nhưng thấy không hợp thổ nhưỡng, anh Phúc trồng xen hơn 100 gốc bưởi da xanh ruột hồng, từ từ bỏ hết mãng cầu.
Anh Phúc cho biết: “Bình quân 1 trái bưởi nặng 1,5- 2 kg, thời điểm này bán tại vườn 35.000- 40.000 đồng/kg. Giá thời điểm Tết 45.000-50.000 đồng/kg. Cây bưởi dễ trồng, cho năng suất rất cao. Bưởi trồng 3 năm tuổi trung bình cho 50 trái/cây, 1,2 kg/trái. Tết năm ngoái, bưởi loại 1 tôi bán 100.000 đồng/kg, có người tới đặt mua 200 trái, tôi cầm trọn trong tay 20 triệu đồng”.
Chỉ mấy ụ đất chỗ trống, anh Phúc cho biết: “Năm rồi, tôi xen canh trồng cây ớt, gặp lúc say trái, trúng giá 70.000-90.000 đồng/kg, bán ớt thu được hơn 100 triệu đồng”. Anh Phúc chia sẻ: “Mặc dù bưởi da xanh không phải là cây trồng truyền thống của địa phương, nhưng lại khá phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu ở đây, chỉ cần chăm sóc, bón phân theo đúng kỹ thuật sẽ đem lại hiệu quả”.
Anh Trần Thanh Tâm cho biết: “Thời gian gần đây, hưởng ứng chủ trương của tỉnh, huyện, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực. Phong trào trồng cây ăn trái bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn các cây trồng khác, đặc biệt là đối với diện tích ruộng thấp, vườn tạp nếu có sự đầu tư, chăm sóc thì người nông dân có thu nhập. Đến nay, đã có 163ha chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn trái góp phần nâng cao đời sống người dân”.
Có thể bạn quan tâm
Ở vùng Tứ giác Long Xuyên, nông dân đang vào vụ lúa HT 2018. Trong đó, tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) tiếp tục chuẩn bị gieo sạ giống lúa Nhật
Sau 5 năm mạnh dạn lấp đất nuôi tôm kém hiệu quả để trồng cỏ nuôi bò hiện sở hữu đàn bò gần 40 con, trị giá cả tỉ đồng.
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng hiện nay đang được nhiều nông dân (ND) lựa chọn, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.