Hiệu quả mô hình chăn nuôi an toàn sinh học giống lợn địa phương (giống lợn Hương)
Mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi’’ giai đoạn 2020 – 2022.
Mô hình được triển khai tại tổ 2, phường Ngọc Xuân với quy mô 50 con gồm 05 hộ tham gia thực hiện. Các hộ tham gia mô hình đều đáp ứng đủ các tiêu chí về chọn hộ về chuồng trại, kinh nghiệm chăn nuôi, khả năng đối ứng về cơ sở hạ tầng, con giống, thức ăn, vacxin phòng bệnh,… Tham gia mô hình các hộ nông dân còn được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học.
Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng đã giao con giống cho UBND phường Ngọc Xuân và các hộ tham gia đã nhận đủ 100%. Con giống có trọng lượng ≥ 6 kg/con có nguồn gốc từ mô hình nuôi lợn sinh sản năm 2021 thực hiện tại xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, Cao Bằng. Việc sản xuất con giống tại chỗ đã từng bước khắc phục tình trạng thiếu con giống mỗi khi vào đàn, mặt khác hạn chế được khả năng lây lan dịch bệnh từ địa phương này sang địa phương khác.
Vắc-xin phòng bệnh (dịch tả, tụ huyết trùng, tai xanh, phó thương hàn, lở mồm long móng) và hoá chất khử trùng đều đảm bảo chất lượng, còn tem niêm phong, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, đầy đủ cơ sở pháp lý để lưu hành trên thị trường theo quy định. Thức hỗn hợp có hàm lượng protein 18% phù hợp với tiêu chuẩn thức ăn dành cho lợn thịt. Do thức ăn có hạn sử dụng 60 ngày nên Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp đã chia thành 2 đợt để bàn giao cho hộ nuôi.
Sau 8 tháng thực hiện mô hình, tỷ lệ nuôi sống của đàn lợn Hương đạt 100%, khối lượng trung bình từ 50 – 65 kg/con, khả năng tăng khối lượng đạt 270 g/con/ngày, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là 3,8 kg, các chỉ tiêu khác đều đạt theo yêu cầu của dự án.
Ngày 25 tháng 11 năm 2022, tại UBND phường Ngọc Xuân, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình. Tại hội nghị, bà Nông Thị Huệ Chi – Phó chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng ghi nhận những thành công nhất định của dự án. Bà cho biết, mặc dù phường Ngọc Xuân là đô thị nhưng vẫn còn rất nhiều người làm nông nghiệp, vì vậy việc đưa dự án đến với Ngọc Xuân là rất hợp lý. Để mô hình "còn sống tiếp", sau khi kết thúc dự án yêu cầu các hộ chăn nuôi nhân rộng giống lợn này, không chỉ mỗi hộ một con mà mỗi hộ ít nhất mười con thì như vậy mô hình mới có hiệu quả và người dân cũng có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Bà cũng nhấn mạnh “Giống là tiền đề - thức ăn là cơ sở”, việc mỗi hộ tự cung cấp con giống tại chỗ đã đáp ứng được yêu cầu trước mắt, mặt khác vùng chăn nuôi tại địa phương cũng sẽ hạn chế được dịch bệnh từ bên ngoài vào, nhất là dịch tả lợn Châu Phi. Đề nghị UBND phường Ngọc Xuân tiếp tục chỉ đạo, giám sát các hộ nông dân tăng đàn, bảo tồn, duy trì phát triển giống lợn Hương tiến tới xây dựng thương hiệu trở thành hàng hoá chủ lực của địa phương.
Bà Nông Thị Huệ Chi phát biểu tại Hội nghị
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những mô hình như đưa cây ăn quả lên sườn dốc thật sự là cách làm đột phá.
Nói đến cựu chiến binh Đặng Ngọc Sỹ ở thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh nhiều người biết đến là một người đã có thâm niên trong nghề trồng hoa, cây cảnh, cây công trì
Vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 cũng như giá phân bón liên tục gia tăng, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa trên đất tôm năm 2021