Hiệu quả máy phun thuốc tự chế
Từ chiếc máy bơm xịt nước để rửa xe, nông dân Tân Hiệp (Kiên Giang) đã chế lại thành chiếc máy phun thuốc BVTV mang lại hiệu quả cao. Máy bơm áp lực cao, lượng thuốc ra đều nên phun rất đạt.
Với chiếc máy này, chỉ cần hai người làm việc trong hơn một giờ là phun thuốc xong cho 3 ha lúa. Trong khi đó, nếu dùng bình máy đeo vai thì mất ba đến bốn tiếng, còn bình gạt tay thì phải cả ngày. Đặc biệt, loại máy này có chức năng tự động pha thuốc và có thể đẩy xuôi hay đẩy ngược đều được, giúp nông dân hạn chế tiếp xúc với thuốc, tránh được nguy cơ ngộ độc thuốc BVTV.
Đặc thù đồng ruộng ở huyện Tân Hiệp là liền canh liền cư và được phân chia theo lô, bề ngang 30 m, dài 1.000 m (3 ha mỗi lô). Khi đồng ruộng đã được cải tạo tốt, san ủi bằng phẳng thì ngán ngại nhất của nông dân trong mỗi mùa vụ sản xuất lúa là các đợt phun thuốc BVTV. Bởi công việc này không chỉ nặng nhọc mà còn độc hại do phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất.
Những năm trước đây, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhà nào có được chiếc bình đeo vai, bơm gạt tay của Trung Quốc đã là oai lắm rồi. Vì bình loại này có dung tích 16 lít, lại vừa bơm vừa xịt nên nhanh hơn rất nhiều so với loại bình bơm hơi (xịt bằng áp lực hơi) 8 lít cổ điển. Từ chiếc bình gạt tay này, nông dân đã chế thêm chiếc xe có hai bánh bằng tuýp nước, bình và cần phun thuốc được gắn sẵn trên xe, lực bơm được lấy từ trục khủyu (giống như cốt máy) gắn vào bánh xe. Và nhiệm vụ của nông dân lúc này là chỉ cần pha thuốc sẵn vào bình và kéo xe trên ruộng lúa, bình sẽ tự phun thuốc.
Tuy nhiên, hạn chế của bình phun loại này là áp lực không cao. Sau đó, bình phun được thay thế bằng bình bơm máy, áp lực phun được cải thiện, cần phun được nối dài với nhiều đầu phun. Thế nhưng nhược điểm của loại xe kéo trên ruộng là chỉ hoạt động tốt trong điều kiện lúa còn nhỏ hoặc được sạ hàng. Còn khi lúa đã trổ bông rất dễ bị cán dập theo lằn bánh xe. Dần dần, chiếc xe kéo được thay bằng xuồng đẩy trên ruộng.
Ông Phạm Thống Nhất, một nông dân sử dụng dàn bơm tự chế đặt trên xuồng sớm nhất ở ấp kênh 5B, xã Tân An (Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết, khi chuẩn bị đất để gieo sạ, nhà nào cũng cho máy móc đường mương thoát nước nội đồng ở giữa ruộng. Thấy vậy, tôi đã thay chiếc xe kéo bằng xuồng. Theo ông Nhất thì việc đặt máy trên xuồng có nhiều ưu điểm như: không phải dừng lại múc nước pha thuốc (máy tự hút nước ở đường mương), không làm hư hại lúa như khi phun xịt bằng bình đeo vai hoặc kéo xe.
Ngoài dùng để đẩy máy phun thuốc, chiếc xuồng còn được tận dụng để chở lúa giống khi gieo sạ, chở phân bón rất tiện lợi. “Với dàn máy này, tôi và một người phụ để đỡ cần chỉ trong khoảng một giờ là xịt xong một lô ruộng khỏe re. Nhờ vậy mà ngay cả mùa mưa cũng làm được, tranh thủ lúc trời vừa hửng nắng là phun xịt được ngay không sợ bị rửa trôi thuốc” – ông Nhất phấn khởi cho biết.
Theo một số hộ nông dân, sử dụng máy phun thuốc tự chế rất yên tâm vì máy phun áp lực mạnh, lượng thuốc ra nhiều nên rất đồng đều, chứ không như xịt tay. Ngay cả khi lúa đã trổ bông, nếu cần phun thuốc xuống tận dưới gốc (phòng trừ rầy) thì chỉ cần điều chỉnh hướng vòi phun thẳng xuống và cho máy chạy ga lớn hơn một chút là được.
Anh Ngô Văn Tú, ở ấp kênh 4B, xã Tân An đã sử dụng chiếc máy này hai năm nay cho biết: “Nhà tôi có 4,5 ha đất, trước đây dùng bình đeo vai hai anh em phải làm cật lực cả ngày mới xong. Về nhà người mệt đừ, vai đau ê ẩm cả tuần mới hết. Nhiều lúc dịch bệnh nhiều phải mướn thêm người mới làm nổi. Còn bây giờ hai anh em chỉ cần buổi sáng là xong ruộng nhà, khỏe lắm. Vì vậy, tôi còn nhận phun thuốc mướn cho 6 ha ruộng của nhà thờ nữa”.
Trưởng ấp kênh 5B, Đinh Minh Trí cho biết, toàn ấp có 653 ha đất sản xuất lúa hai vụ với 340 hộ dân. Phong trào dùng máy phun thuốc tự chế đặt trên xuồng mới bắt đầu khoảng ba năm nay nhưng hiện đã có khoảng 40% số hộ bỏ tiền ra sắm máy, chủ yếu để phục vụ gia đình. Do có nhiều ưu điểm vượt trội nên chiếc máy này không chỉ giúp nông dân đạt hiệu quả trong sản xuất, giảm thời gian, công sức lao động mà còn tránh được tác hại do không phải tiếp xúc nhiều với thuốc.
Ông Đỗ Anh Tuấn, nông dân xã Tân An đồng thời cũng là người thợ chế máy phun thuốc cho biết, hiện bà con đang có nhu cầu sử dụng loại máy này rất nhiều, vào mùa vụ là họ đặt hàng làm không kịp. Mỗi chiếc máy gồm cả xuồng, đầu bơm, đầu máy nổ chạy xăng 5 - 5,5 sức ngựa và cần phun dài 15 m hiện có giá khoảng 10 triệu đồng. Theo ông Tuấn thì từ khi ra đời cho đến nay chiếc máy này đã có nhiều cải tiến, đặc biệt là hệ thống cần vòi phun. Ban đầu chỉ được làm bằng cây tre, rồi đến ống tuýp nước, thanh nhôm…
Hiện nay, loại cần vòi phun phổ biến nhất và hiệu quả nhất là dùng ống inox loại nhỏ được hàn theo hình tam giác cân. Vì loại cần này vừa bền lại vừa vững chắc, không bị cong vẹo trong quá trình sử dụng. “Tùy bề ngang ruộng mà làm cần phun dài hay ngắn. Tuy nhiên, nếu cần dài thì phải cần máy và đầu bơm công suất lớn sẽ tốn kém. Với đặc thù đồng ruộng Tân Hiệp thì cần phun dài 15 m là vừa (cần phun một bên, bên kia đeo tạ cho cân xứng), đẩy đường đi đường về là xong một lô” – ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.
Ngay cả chiếc xuồng cũng có nhiều thay đổi từ xuồng gỗ, chuyển sang thùng phuy nhựa (cắt đôi rồi ghép lại) đến gò bằng nhôm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều nông dân thì nên chọn loại xuồng dài, sâu lòng và có chất liệu nhẹ và đặc biệt là phải phù hợp với lòng mương trên ruộng. Nếu xuồng nhỏ rất dễ bị chìm còn nếu xuống lớn thì đẩy rất nặng, dẫn đến tốn sức.
Có thể bạn quan tâm
Phun sản phẩm Ansaron 500SC, liều dùng 3 lít/ha, lượng nước phun 400lít/ha vào giai đoạn tiền nảy mầm khi mới làm đất cỏ chưa mọc.
Mô hình sử dụng hoa dạ yến thảo và hoa dừa cạn rủ nhiều màu với hình thức trồng trong chậu có đường kính 25 cm, có che lưới cách nắng, mật độ trồng 40.000 chậu
Xuất thân từ một nông dân, chưa qua trường lớp đào tạo chính quy nhưng anh Phạm Văn Bình chế tạo thành công chiếc máy phun thuốc tự động sử dụng điện năng lượng