Hiệu quả chế phẩm E.M trong chăn nuôi gà
Trong những năm gần đây, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng, không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Chăn nuôi gà đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mang lại hiêu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tuy nhiên, vấn đề mà nông dân rất quan tâm hiện nay đó là hiện tượng ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cho người và vật nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Làm sao vừa phát triển kinh tế một cách ổn định mà không gây ảnh hưởng tới môi trường sống.
Trong năm 2017, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, trạm Khuyến nông Châu Thành đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Đánh giá hiệu quả chế phẩm E.M trong chăn nuôi gà tại xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang". Mô hình được thực hiện tại hộ ông Nguyễn Thanh Hải, ấp An Phú, xã An Hòa. Theo anh Nguyễn Văn Điệp -Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được tiến hành bổ sung chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia cầm theo các công thức và thí nghiệm khác nhau. Cụ thể, thí nghiệm được tiến hành theo 3 công thức. Mỗi công thức chia làm 3 lô, với 3 lần lặp lại.
Công thức 1: Chuồng nuôi đối chứng, không xử lý vi sinh vật. Chuồng nuôi đối chứng với diện tích 18m2, số lượng gà là 90 con.
Công thức 2: Sử dụng chế phẩm E.M cho gà uống. Pha loãng chế phẩm E.M (dạng lỏng) với nước sạch (tỷ lệ 1:500). Nghĩa là 1 lít dung dịch E.M hòa tan với 500 lít nước sạch cho gà uống hằng ngày. Chuồng nuôi với diện tích 18m2, số lượng 90 con gà.
Công thức 3: Làm đệm lót sinh học cho gia cầm trên đối tượng gà thịt, sử dụng chế phẩm sinh học E.M. Thực hiện làm đệm lót sinh học cho 1 chuồng nuôi có diện tích 18m2, số lượng 90 con gà.
Đến thời điểm hiện tại, đánh giá mùi (bằng cảm quan) và qua kết quả phân tích của Trung tâm quan trắc môi trường, Chế phẩm xử lý EM có kết quả tốt, mức độ mùi hôi trong chuồng trại chăn nuôi giảm hẳn đối với 2 nghiệm thức cho gà uống và trộn vào chất độn chuồng. Môi trường được cải thiện rõ rệt, gà phát triển tốt. Trong thời gian sử dụng chế phẩm đến nay, 2 nghiệm thức trên, gà ít bệnh hơn lô đối chứng.
Đánh giá hiệu quả của chế phẩm EM thứ cấp: Qua các thí nghiệm sử dụng E.M dạng lỏng, bổ sung chế phẩm vào nước uống, mang lại hiệu quả cao nhất trong các công thức thí nghiệm, hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, chi phí đầu tư ít hơn mà thu nhập lại cao hơn. Sơ bộ hạch toán kinh tế, lợi nhuận cao nhất là ở thí nghiệm có bổ sung chế phẩm vào nước uống và làm đệm lót. Như vậy, có thể thấy rằng việc bổ sung chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi không những làm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế . Đây là một hướng đi mới cho chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, người trực tiếp tham gia mô hình cho biết, ông sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cũng như diện tích chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có sử dụng chế phẩm E.M.
Có thể bạn quan tâm
Dưới đây là 5 giống gà siêu trứng đang được nuôi phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
Trong giai đoạn từ 01 đến 21 ngày tuổi do hệ tiêu hóa và hô hấp chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém, gà con dễ bị nhiễm bệnh
Có khá nhiều nguồn cung chất béo thương mại dùng cho sản xuất TĂCN, bao gồm một trong hai loại là mỡ động vật (dạng cứng) hoặc các loại dầu (dạng lỏng)