Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi tôm trong bể xi măng
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của người dân huyện Tĩnh Gia bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, mở ra một hướng đi mới trong nuôi tôm công nghiệp.
Hệ thống bể xi măng nuôi tôm công nghiệp của gia đình anh Lê Đình Hải, xã Hải Hòa (Tĩnh Gia).
Năm 2018, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, xã Bình Minh (Tĩnh Gia) đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng 15 bể xi măng thử nghiệm nuôi tôm trên diện tích 540m2. Mỗi bể nuôi tôm được thiết kế 6m x 6m x 1,2m với diện tích 36m2, mật độ nuôi 300 - 350 con/m2. Trong bể nuôi được lắp đặt máy sục khí, hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt. Trên các bể nuôi, chị Hoa đầu tư dàn mái che bằng lưới, vào mùa nắng nóng, nhiệt độ môi trường nước sẽ được bảo đảm, tránh tình trạng sốc nhiệt khi thời tiết chuyển mùa đột ngột. Qua một vụ nuôi vừa qua, gia đình chị Hoa thu hoạch mỗi bể từ 140 - 170 kg, với 15 bể thu được hơn 2 tấn tôm, giá bán bình quân 130.000 đồng/kg, cho thu lãi gần 200 triệu đồng/vụ. Từ thành công ban đầu, vụ xuân hè năm 2019, gia đình chị Hoa tiếp tục đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng vụ thứ 2.
Qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ thực tế địa phương, đầu năm 2017, anh Lê Đình Hải, xã Hải Hòa (Tĩnh Gia) đã đầu tư xây dựng 10 bể nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích 360m2. Bể được thiết kế rộng 6m x 6m x 1,5m, có mái che, sục khí. Sau khi bể hoàn thành, anh thả tôm thẻ chân trắng với mật độ 300 con/m2. Trong năm 2018, anh Hải thả nuôi được 3 vụ tôm thẻ chân trắng, nuôi theo công nghệ sinh học. Sau khi lấy nước biển vào bể, diệt khuẩn, anh Hải dùng men sinh học kết hợp với chế phẩm sinh học để lọc nước, thả tôm. Nhờ vậy, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được tỷ lệ hao hụt. Hiện nay, anh Hải đang chuẩn bị lắng lọc nước và vật tư để chuẩn bị thả nuôi vụ xuân hè. Anh Lê Đình Hải, cho biết: Năm đầu tiên, từ 360m2, thu hoạch 3 vụ, trừ chi phí, cho lãi hơn 600 triệu đồng. Với mô hình này, người nuôi có thể dễ dàng kiểm soát lượng thức ăn cho tôm, tránh bị dư thừa lãng phí ra bên ngoài gây ô nhiễm nguồn nước. Hạn chế dịch bệnh lây lan trong môi trường nước, mầm bệnh và tảo độc được kiểm soát dễ dàng bằng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, việc quản lý ao nuôi cũng như duy trì ổn định các yếu tố môi trường, như: Nhiệt độ, PH,... cũng được thực hiện dễ dàng. Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trong ao vẫn được bảo đảm nên tôm nuôi không bị sốc nhiệt... Nhờ nuôi trong bể, việc phát hiện, xử lý dịch bệnh nhanh chóng nên có thể yên tâm kéo dài thời gian nuôi. Nhất là, trong khi hầu hết các đầm tôm ngoài trời gần như không dám thả tôm vụ 3 thì anh Hải vẫn thả giống nuôi. Ngoài nuôi tôm trong bể xi măng, hàng năm anh Hải còn nuôi cá bống bớp, mỗi năm sinh sản và ương giống cung cấp cho thị trường khoảng 5-6 triệu con cá bống bớp giống.
Đây là những mô hình nuôi tôm công nghiệp trong bể xi măng đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng đang được người dân ở các xã lân cận, như: Hải Ninh, Hải Hòa, Bình Minh (Tĩnh Gia)... học tập và đầu tư áp dụng nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Sở NN&PTNT Quảng Ngãi vừa ban hành lịch thời vụ và một số giải pháp nuôi trồng thủy sản năm 2019 đến người nuôi trên địa bàn tỉnh.
Mô hình này đạt được những hiệu quả ngoài mong đợi, không chỉ năng suất cao mà mà còn hướng đến mục tiêu giảm tác động môi trường thông qua quản lý thức ăn
Vẹm xanh (Perna viridis) được nuôi khá nhiều ở một số khu vực ven biển nước ta. Tuy nhiên, nghề nuôi này chưa thực sự phát triển bởi nguồn giống hạn chế.