Hạt bơ tăng miễn dịch trên tôm thẻ chân trắng
Chế phẩm polyphenol từ hạt bơ có dạng bột, công thức phối trộn đơn giản, dễ sử dụng, đặc biệt có khả năng tăng cường hệ miễn dịch ở tôm thẻ chân trắng chống lại các bệnh liên quan tới vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.
Polyphenol là chất chống ôxy hóa được tìm thấy trong hạt bơ khá cao. Ảnh: Pinterest
Chất chống ôxy hóa hiệu quả
Tôm thẻ chân trắng là loài tôm nước lợ hiện đang được nuôi ở nhiều địa phương trên cả nước. Loài tôm này không chỉ cho năng suất cao mà thịt tôm còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thường xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt, gây thất thoát và thiệt hại kinh tế cho người nuôi và vi khuẩn Vibrio parahaematolycus được xem là một trong những nguyên nhân chính có liên quan đến các hiện tượng trên. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, các công ty sản xuất thức ăn trên thế giới có xu hướng bổ sung các chất giàu polyphenol có nguồn gốc tự nhiên nhằm cải thiện tăng trưởng, sức khỏe và phòng chống bệnh cho tôm nói riêng và động vật thủy sản nói chung. Bởi các chất chống ôxy hóa tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật được không chỉ có khả năng ngăn chặn quá trình ôxy hóa chất béo, protein trong thức ăn thủy sản mà còn có thêm nhiều khả năng như kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch cho cá, tôm.
Polyphenol là chất chống ôxy hóa được tìm thấy trong hạt bơ khá cao. Polyphenol được bổ sung vào thức ăn không chỉ thể hiện vai trò chống ôxy hóa là ngăn chặn ôxy hóa lipid, protein, đảm bảo giá trị dinh dưỡng và thời gian bảo quản của thức ăn mà còn có vai trò tăng cường miễn dịch, giảm stress, từ đó kích thích tăng trưởng, tăng khối lượng và tỷ lệ sống ở vật nuôi, thủy sản. Trong hạt bơ còn chứa các nhóm hợp chất đa dạng với nhiều hoạt tính sinh học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hạt bơ cũng chỉ được coi là phụ phẩm và chưa được tận dụng nhiều. Trước thực tế đó, nhóm tác giả của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu điều chế sản phẩm polyphenol từ hạt bơ (Persea americana Mill) nhằm nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng”. Cụ thể, nhóm tác giả đã thu thập hạt bơ tại Đắc Nông, đem rửa sạch, sấy khô, sau đó chiết xuất polyphenol. Để điều chế sản phẩm polyphenol dạng bột, ngoài polyphenol được ly trích từ hạt bơ, nhóm còn phối trộn thêm bột bắp, bột mỳ.
Tăng tỷ lệ sống hơn 20%
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi thử nghiệm tôm bằng sản phẩm trên trong bể composite và bể kính. Thức ăn sau khi đã trộn chế phẩm polyphenol theo liều lượng được đem ra trải lớp mỏng trong khay và dùng quạt để quạt gió làm cho viên thức ăn được khô ráo, sau đó cho thức ăn vào túi nhựa hoặc hũ nhựa đậy kín, được bảo quản trong tủ đông và sử dụng cho tôm ăn trong suốt giai đoạn thử nghiệm. Thí nghiệm được thiết kế bao gồm 1 nghiệm thức thức ăn cơ bản (T0), 4 nghiệm thức bổ sung chế phẩm polyphenol ở các hàm lượng khác nhau (từ 250 – 1.000 ppm polyphenol) và 1 nghiệm thức bổ sung sản phẩm thương mại (BM) có công dụng tương tự.
Sau một tuần nuôi thuần dưỡng để làm quen với môi trường, tôm ban đầu (1,04 – 1,05 g/con) được bố trí vào 18 bể compostie có thể tích 500 l, chứa 300 l nước nuôi mỗi bể (độ mặn 15 ppt), với số lượng 45 con/bể (tương đương với mật độ 150 con/m3), tương ứng 6 nghiệm thức thí nghiệm, với 3 lần lặp lại mỗi nghiệm thức, thời gian nuôi cho ăn các thức ăn thí nghiệm là 60 ngày. Kết thúc thời gian nuôi thí nghiệm (60 ngày), tôm nuôi của tất cả các nghiệm thức được thu hoạch để xác định các thông số về tăng trưởng và thu mẫu tôm để phân tích, đánh giá chất lượng tôm nuôi.
Kết quả cho thấy, sau 60 ngày nuôi thử nghiệm, tôm đạt trọng lượng từ 7,96 – 9,15 g/con, tăng trọng từ 6,91- 8,10 g/con. Riêng về tỷ lệ sống, việc bổ sung 500 -750 – 1.000 ppm polyphenol (tương ứng nghiệm thức T2, T3 và T4) đã cho hiệu quả khá tốt (ở mức 76%), giúp tăng tỷ lệ sống từ 9 – 10% so với đối chứng và có hiệu quả tương đương với sản phẩm BM.
Kết quả phân tích thành phần hóa học của tôm nấu chín ở các nghiệm thức cho thấy không có sự thay đổi lớn ở các thành phần độ ẩm, protein, lipid, tro và canxi khi tôm nuôi được cho ăn các thức ăn có hoặc không có thành phần polyphenol. Các thuộc tính màu, mùi, vị của tôm trong thí nghiệm này hầu như không có sự khác biệt thống kê giữa các nghiệm thức. Với cấu trúc cơ thịt tôm, kết quả từ máy đo Rheo Tex SD-700 Texturometer cho thấy có sự dao động giữa các nghiệm thức nhưng không đáng kể. Từ các kết quả này, rõ ràng khi bổ sung chế phẩm polyphenol hoặc chế phẩm BM hay không bổ sung bất kỳ chế phẩm nào đều không làm biến đổi đến thuộc tính cảm quan cũng như thay đổi cấu trúc cơ thịt tôm.
Tổng hợp các kết quả về tỷ lệ sống của tôm nuôi ở các nghiệm thức trong 60 ngày nuôi (bao gồm 45 ngày nuôi bình thường và 15 ngày nuôi trong môi trường chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus với liều là 4,68 x 106 CFU/ml), tỷ lệ sống của tôm tăng lên khi hàm lượng polyphenol bổ sung vào thức ăn tăng lên, tương ứng với các mức 250, 500, 750 và 1000 ppm là 37,8%, 42,2%, 51,1% và 53,3% so với khi không bổ sung polyphenol là 31,1%. Điều này có nghĩa là khi bổ sung 750 và 1.000 ppm polyphenol vào thức ăn, tỷ lệ sống của tôm tăng 20 – 22%. Nếu được thử nghiệm trên ao nuôi, mức tăng tỷ lệ sống này rất có ý nghĩa.
Nghiên cứu được xem là hướng tiếp cận phù hợp, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị, nâng cao tăng trưởng, tỷ lệ sống và tính bền vững của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế sử dụng các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên nhằm tăng cường miễn dịch cho thủy sản, với mục đích giảm thiểu hoặc loại bỏ dần sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Đối với tôm thẻ chân trắng, các chỉ tiêu chất lượng nước đều rất quan trọng, trong đó đáng chú ý là sự thay đổi của nhiệt độ và độ mặn của nước ao
Báo cáo đã so sánh các mật độ tôm thẻ chân trắng khác nhau trong hệ thống nuôi tuần hoàn RAS để tìm ra mật độ nuôi tối ưu cho năng suất và hiệu quả sử dụng
Khi nhiệt độ xuống thấp trong thời tiết rét đậm rét hại như hiện nay có ảnh hưởng xấu thế nào tới tôm thẻ chân trắng nuôi?