Hành trình thuần hóa cây lúa nước
Các nhà khoa học Anh khám phá ra quá trình đưa cây lúa nước vào canh tác từ một loài cây dại, góp phần làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử loài người ở châu Á thời cổ đại.
Nghiên cứu mới chỉ ra cây lúa đã được thuần hóa từ 10.000 năm trước. Ảnh: UPI
Theo UPI, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Manchester, Anh hôm 6/11 công bố kết quả nghiên cứu của mình trên website nhà trường, khẳng định tìm ra được quá trình hình thành nên cây lúa nước ngày nay ở châu Á.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cây lúa được thuần hóa ba lần riêng biệt trong lịch sử. Qua đó, người dân ở các nơi khác nhau lựa chọn giống lúa phù hợp nhất với mình để canh tác, từ đó tạo nên ba loại gạo chủ yếu trên thế giới.
Đầu tiên là giống gạo tẻ Indica có hạt dài từ các vùng trũng ở Đông Nam Á. Loại gạo nổi tiếng thứ hai là Japonica, một loại gạo hạt tròn thường dùng để chế biến sushi. Và cuối cùng là gạo Aus, loại gạo có đặc tính chịu hạn cao được trồng nhiều ở Bangladesh và Ấn Độ.
Cho đến ngày nay, giới khoa học vẫn cho rằng lúa gạo chỉ được thuần hóa một hoặc hai lần trong lịch sử. Hầu hết mọi người đồng ý gạo Japonica đã được thuần hóa riêng biệt từ khoảng 10.000 năm về trước. Tuy nhiên vẫn còn những bất đồng liên quan đến việc gạo Indica có phải là một loại gạo lai của Japonica hay không.
Nhóm nghiên cứu phân tích gene trên 446 mẫu thí nghiệm được lấy từ các loài lúa dại trên khắp châu Á và so sánh chúng với bộ gene của lúa thuần chủng. Nhóm đặc biệt chú ý tới các phần khác biệt nhất trên bộ gene của lúa thuần chủng so với lúa dại, được tạo nên từ quá trình chọn lọc thuần chủng (dosmetic sweep).
Quá trình chọn lọc này cho thấy những đặc tính của cây lúa mà người nông dân thời xưa chọn ra khi trồng các giống lúa dại tự nhiên. Những đặc tính này bao gồm sức sinh trưởng mạnh mẽ hơn, khả năng gieo trồng với mật độ cao hoặc sức chống chịu hạn hán và sâu bệnh.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra những đặc tính tiên tiến của cây lúa hiện nay đều có sẵn trong các mẫu lúa dại ở vùng Nam Á. Điều này càng củng cố thêm giả thiết của cả nhóm cho rằng con người thời xưa đã thuần hóa lúa dại một cách độc lập và tách biệt nhau trên nhiều vùng châu Á.
"Kết luận này hoàn toàn phù hợp các bằng chứng khảo cổ về nguồn gốc văn minh lúa nước", nhà khoa học Terry Brown, Đại học Manchester cho biết. "Chúng tôi cũng hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ mở ra một quá trình kết hợp hiệu quả giữa di truyền học với khảo cổ học, đặc biệt là các nghiên cứu về thuẩn hóa lúa".
Quá trình thuần hóa cây lúa là một phần quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn thế giới. Sự ổn định về nguồn cung lương thực là nền tảng để loài người tiến lên những tổ chức xã hội lớn hơn, tiến bộ hơn. Brown và các cộng sự cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ những nghiên cứu về thời kỳ sơ khai trong lịch sử loài người ở châu Á.
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, Cục Trồng trọt phối hợp với Sở NN-PTNT Nam Định tổ chức buổi hội thảo đánh giá về khả năng kháng bạc lá của các giống lúa trong vụ mùa 2017.
Để giữ thóc được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng cần phơi thật khô, làm sạch hết tạp chất rồi mới đem bảo quản. Giữ thóc trong chum, thùng phuy, thùng tôn, hòm gỗ
Phương pháp sạ giống lúa dày. Khi được hỏi, hầu hết bà con trả lời là sạ dày để bù lại do bị cỏ chụp, do chuột phá, do sâu bệnh và đặc biệt là ốc bươu vàng phá