Hành tím bảo quản tốt, chất lượng cao nhờ công nghệ mới
Nhờ phương pháp bảo quản trong kho cột chùm, hành tím của bà con Vĩnh Châu, Sóc Trăng có tỷ lệ hao hụt thấp, giữ nguyên được màu sắc ban đầu và phòng trừ sâu đục củ.
Trong ảnh: Hành tím là loại gia vị đặc sản của bà con Sóc Trăng. Ảnh: tuhaoviet.vn.
Từ bao đời nay, hành tím đã trở thành loại nông sản gắn bó mật thiết với vùng đất Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Nhờ hương vị thơm ngon, từ lâu, hành tím Vĩnh Châu được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng…
Hành tím vốn được trồng bởi cộng đồng người Hoa, Khmer ở Vĩnh Châu. Từ trồng nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia đình, đến nay, nghề trồng hành tím đã không ngừng phát triển, diện tích trồng hành theo đó liên tục mở rộng. Hiện toàn thị xã Vĩnh Châu có gần 6.000 ha hành tím, tập trung ở các xã Vĩnh Hải, phường 1, phường 2, phường Vĩnh Phước, Lai Hòa...
So với trồng các loại hoa màu khác, hành tím mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho các hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, vài năm gần đây, thị trường nông sản có nhiều biến động khiến giá hành lên xuống bấp bênh, đầu ra không ổn định. Đôi khi hành tím rớt giá chỉ bằng khoảng một phần tư so với giá thông thường. Nhiều nhà không muốn rơi vào cảnh bị tư thương ép giá nên phải trữ hành lại, đợi thời điểm giá lên. Tuy nhiên, do không có kho chứa, nhiều gia đình phải chất hành ở ngoài đồng, che chắn bằng rơm khô nên dễ bị ủng, hỏng.
Trước thực trạng trên, năm 2013, dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng (do Chính phủ Canada tài trợ) đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản hành tím Vĩnh Châu. Trong đó, hạng mục "Ứng dụng công nghệ sấy khô và bảo quản củ hành tím" để kéo dài thời gian bảo quản giúp nông dân tạm trữ hành chờ giá tăng, tránh tình trạng hành bị rớt giá khi thu hoạch rộ mà không cần sử dụng hoá chất bảo quản.
Ban đầu, dự án đã phối hợp với Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Bách khoa (thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện mô hình "Sơ chế sấy và bảo quản hành tím mini". Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chưa đạt chuẩn ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của việc sấy và bảo quản hành thương phẩm. Đến tháng 12/2015, Ban quản lý dự án phối hợp với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thuộc Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài "Nghiên cứu, kiểm nghiệm các thông số kỹ thuật của công nghệ bảo quản hành tím".
Theo đó, tổng khối lượng hành tím thử nghiệm là 2,1 tấn; bảo quản theo 3 phương pháp gồm: bảo quản trong kho cột chùm; bảo quản trong kho hành cắt lá đựng trong bao lưới và bảo quản theo truyền thống.
Kết quả sau 3 tháng cho thấy, phương pháp bảo quản trong kho cột chùm đạt kết quả cao nhất. Ngoài hiệu quả về tỷ lệ hao hụt thấp (dưới 15%), giữ nguyên được màu sắc ban đầu, phương pháp này còn giúp phòng trừ sâu đục củ. Nhờ áp dụng biện pháp xông trùng bằng thuốc Phosphine để trừ sâu đục củ, trong suốt quá trình bảo quản, bà con chỉ cần xông trùng một lần và có thể loại trừ sâu đục củ.
Hành tím được bảo quản tốt hơn nhờ công nghệ bảo quản mới. Ảnh: tuhaoviet.vn.
Như vậy, bên cạnh hiệu quả về kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo tỷ lệ hao hụt thấp, phương pháp này còn an toàn cho môi trường, sức khoẻ cộng đồng do không phải sử dụng các loại hóa chất để bảo quản.
Thành công bước đầu của dự án đã mở ra nhiều triển vọng cho các thành viên trong Hợp tác xã hành tím cũng như nông dân tại thị xã Vĩnh Châu vì bà con không còn lo ngại mỗi khi vào mùa thu hoạch tập trung, sản lượng nhiều, bị tư thương ép giá. Đồng thời, bà con cũng giảm thiểu nỗi lo về hành ủng hỏng vì áp dụng phương pháp này, mẫu mã và chất lượng hành vẫn được đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu gạo của VN năm nay dự báo tiếp tục khó khăn do nhu cầu hạn chế và cạnh tranh gay gắt từ các nước.
Do ảnh hưởng thời tiết, năng suất lúa đông xuân ở vùng ĐBSCL giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước. Giá lúa tăng cao ngất ngưởng, người dân vẫn thu lợi cao
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nông dân trồng thanh long ruột đỏ ở Trà Vinh rất phấn khởi do giá liên tục tăng.