Hàng Việt Tràn Ngập Chợ Vùng Biên
Chợ thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) là một trong những chợ sung túc nhất ở vùng biên giới Tây Nam.
Nằm ở khu vực đầu nguồn sông Tiền, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Preyveng - Campuchia, từ nhiều năm qua, chợ Hồng Ngự giao thương mua bán, trao đổi hàng hóa qua lại nhộn nhịp, đặc biệt hàng hóa nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng...
Thăm dò thị trường
Nông dân Hồng Ngự giỏi nghề nông: Trồng lúa, rau màu, nuôi cá tra, nuôi cá trong bè, cá đồng trong ao. Lúa-cá là nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng kinh tế lớn.
Trong 5 năm gần đây, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, liên tiếp có 13 phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở các huyện trong tỉnh, do Sở Công Thương Đồng Tháp và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) phối hợp tổ chức, nhằm đưa hàng Việt về khắp miền quê, đồng thời thăm dò thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng.
Tại thị xã Hồng Ngự sau khi khảo sát thị trường, lần đầu tiên 32 DN và CLB Đặc sản làng nghề Trà Vinh tổ chức đoàn xe chuyển hàng về trưng bày 38 gian hàng giới thiệu hàng “chính hãng”, do chính đại diện các nhà sản xuất đứng bán trong khuôn khổ phiên chợ thứ 128 “Hàng Việt về nông thôn tại TX Hồng Ngự” (từ ngày 1 đến 3/7/2014).
Theo nhận xét của các DN đồng hành đưa hàng Việt về nông thôn, thị trường tỉnh Đồng Tháp là nơi phân phối hàng hóa dồi dào, sức tiêu thụ hàng hóa mạnh.
Tại chợ thị xã Hồng Ngự tập trung trên 500 tiểu thương rất “chuyên nghiệp” trong việc tiếp thị sản phẩm mới, nhất là khi hàng Việt chất lượng không ngừng cải tiến, nâng cao. Trên những quầy kệ của tiểu thương, hàng Việt được trưng bày khá nhiều với các nhãn hàng như: Sữa Vinamilk, thực phẩm chế biến Cholimex, bột gặt Lix, sản phẩm tẩy rửa Mỹ Hảo, hàng nhựa gia dụng Duy Tân, Duy Thành…
Theo khảo sát mới đây của Nielsen- một công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu, có 9/10 (90%) người bán hàng cho biết họ có giới thiệu sản phẩm với khách, và 1/3 (31%) số người được tư vấn đã mua các sản phẩm đó.
Như vậy những khuyến nghị của nhà bán lẻ sẽ là một hình thức đại diện thương hiệu mạnh mẽ, với 500 tiểu thương buôn bán tại chợ Hồng Ngự là cơ hội tốt nhất để các DN kết nối cho chương trình đưa “Hàng Việt vào chợ” và mở rộng mạng lưới tiêu thụ hàng Việt về những vùng nông thôn xa còn bỏ ngỏ.
Hiện nay chợ thị xã Hồng Ngự là nơi tập trung hàng hóa, trong đó hàng Việt chiếm đa số, đủ sức thay thế dần những mặt hàng ngoại nhập với giá cả phù hợp, chất lượng tốt.
Dù vậy các DN SX hàng Việt vẫn đưa hàng đến phiên chợ chủ đích “trình làng” sản phẩm mới, bán với giá ưu đãi, có khuyến mãi như: Mùng (màn) hiệu ChamCham xua đuổi diệt muỗi, các loại tủ nhựa gia dụng Duy Tân, các loại bột chế biến bánh Vĩnh Thuận, sản phẩm bột gạo lứt Bích Chi, cân đồng hồ và các loại kéo thợ may, kéo cắt tóc của Cty Nhơn Hòa…
Sức mua yếu…
Nông dân Trần Văn Viễn 59 tuổi, ở xã Bình Thạnh, Thị xã Hồng Ngự đến phiên chợ hàng Việt và dự buổi tọa đàm “Hỗ trợ kiến thức khi chuyển đổi cây trồng theo xu hướng thị trường và giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón cho cây trồng” với các chuyên viên kỹ thuật Cty Phân Bón Bình Điền và CLB Nông gia, do Ban tổ chức Phiên chợ và Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự phối hợp tổ chức.
Ông cho rằng, những khuyến cáo về cách bón phân tiết kiệm, tránh lãng phí để hạ chi phí SX là cần thiết, bổ ích cho nhà nông. Tuy nhiên, sau khi tham quan các gian hàng tại phiên chợ, ông Viễn chi tiêu rất “dè sẻn”, chỉ mua vỏn vẹn mấy chai nước mắm, nước tương và chừng chục gói mì.
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại thị xã Hồng Ngự thu hút 15.250 lượng người đến tham quan mua sắm, doanh thu các DN bán hàng đạt 1 tỷ 290 triệu đồng; 130 nông dân tham dự tư vấn kỹ thuật nông nghiệp và 70 tiểu thương tham gia kết nối với 5 DN.
Ông Viễn giải thích: Dù nhà ông có tới 4 ha đất ruộng, làm 2 vụ lúa/năm và các con đã lập gia đình, nhưng thu nhập từ trồng lúa, ngoại trừ vụ ĐX có lãi, tới vụ HT chi phí phân bón, thuốc trừ sâu tốn kém nhiều nhưng năng suất lại thấp, lúa tươi chừng 600-700 kg/công, với giá bán lúa như hiện nay, khoảng 4.400 đ/kg, tính ra cực công, không lãi. Nông dân có đất ruộng không nằm trong vùng đê bao an toàn không thể chuyển dịch sang trồng màu, trồng cây gì khác, hơn nữa mỗi năm tới mùa lũ về nước tràn đồng…xem như ngồi chơi không có thu nhập.
Anh Võ Văn Tùng, nông dân xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự có 15 công đất lúa trong khu đê bao an toàn làm 3 vụ/năm, cũng than van như ông Viễn, anh tính vụ lúa ĐX có lãi gần 2 triệu đ/công, gộp chung lãi khoảng 14-15 triệu đ/ha, còn vụ HT rất khó kiếm lời. Cho dù làm thêm vụ lúa TĐ nông dân phải chờ cuối vụ, có lúa mới có tiền chi tiêu trong gia đình.
Trong khi vào thời điểm này phiên chợ đưa hàng về, thứ nào cũng thấy cần dùng, nhưng đến cuối tháng 7 lúa mới thu hoạch. Nông dân làm lúa có lãi nhiều mới mua sắm tiêu dùng nhiều, còn lúa rớt giá có người gần một tháng không đi ra chợ.
Anh Phan Hoàng Tuấn, dân chở hàng thuê bằng xe gắn máy mỗi ngày ngày đi-về từ chợ thị xã đến các chợ nhỏ ở vùng giáp biên giới kể: Mấy năm rồi hàng tiêu dùng SX từ Thái Lan, Campuchia đổ qua biên giới không còn nhiều, ngoại trừ lúa gạo, hàng kim khí điện máy đã qua sử dụng và hàng lậu đường cát, thuốc lá. Trong khi hàng Việt mạnh nhất là đồ nhựa gia dụng, nước ngọt, thực phẩm chế biến…bán sang Campuchia rất được ưa chuộng.
Mấy năm qua hàng từ Sài Gòn về Hồng Ngự qua đường bộ, đường thủy đều thuận lợi. Vào những khi thị trường nội địa sức mua yếu, từ Hồng Ngự đưa hàng về chợ vùng biên như mở thêm cánh cửa đưa hàng Việt đi xa.
Có thể bạn quan tâm
Theo các chủ bè cá, giá cá điêu hồng tăng trở lại là do sản lượng cá cung cấp cho thị trường thời điểm này khan hiếm, bởi trước đó nhiều bè cá thua lỗ đã "treo" bè. Hiện nhiều thương lái đến vùng nuôi cá điêu hồng ở Cồn Thới lùng sục để mua cá điêu hồng loại lớn từ 1-1,2 kg để cung cấp cho thị trường, nhưng cá loại này rất khan hiếm do giá cá điêu hồng đang trên đà tăng nên các chủ bè tiếp tục neo cá lại để chờ giá cá cao hơn.
Nếu như những năm trước đây, chỉ cần ra cách bờ chưa đầy một hải lý, ngư dân ven biển Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã có thể cào được cả tấn ốc gạo. Thì năm nay, mọi người phải đi thuyền vào tận Đức Phổ và tỉnh Bình Định mới tìm được sản vật này của biển…
Trong mùa mưa bão, diện tích nuôi trồng thủy sản là vùng có nguy cơ ngập úng lớn nhất, gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất, nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản ở ven đê. Tuy nhiên, các giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mùa mưa bão như các hộ dân vẫn làm hiện nay dường như chưa thể khiến họ an tâm...
Nhìn những thanh niên trẻ măng sinh năm 1991-1993, khó ai có thể tin họ đang là những người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn làng và nhận được tín nhiệm cao của người dân trong thôn.
Huyện Cái Bè (Tiền Giang) nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái đặc sản như: Bưởi lông Cổ Cò, Xoài Cát Hòa Lộc, quýt đường, cam sành, nhãn,... Diện tích cây ăn trái ngày càng tăng nhanh. Hiện toàn huyện có 16.864 ha vườn cây ăn trái (tăng 64 ha so với năm 2013).