Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Hạn chế tôm bệnh khi mưa lớn trái mùa

Hạn chế tôm bệnh khi mưa lớn trái mùa
Tác giả: Quang Trí
Ngày đăng: 07/11/2019

Bên cạnh những chuỗi ngày nắng nóng, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, sẽ xuất hiện những cơn mưa lớn trái mùa, ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi. Mưa trái mùa có thể làm tôm bị sốc nặng, đục cơ rồi rớt đáy chết do biến động môi trường nước.

Bổ sung Vitamin C và khoáng cho tôm khi trời mưa - Ảnh: Huy Hùng

Tác động

Nước mưa có tỷ trọng nhẹ hơn nước lợ trong ao tôm và có pH thấp nên thường nổi trên mặt nước, dù ao tôm có chạy quạt hay không, nhất là ở những ao nước sâu. Khi mưa lớn nước trong ao tôm thường bị phân tầng làm cho ôxy hòa tan trong nước không xuống được đáy ao. Sự thiếu hụt ôxy dưới đáy ao tôm càng nghiêm trọng hơn vào ban đêm, khi tôm và vi sinh vật trong ao hô hấp tiêu thụ nhiều ôxy.

Quan trọng hơn, mưa lớn làm nhiệt độ, độ mặn, pH của nước ao biến động lớn và đột ngột. Mưa cũng làm cho phèn ở bờ ao tích tụ qua thời gian dài trong mùa nắng bị rửa trôi xuống dưới ao làm cho pH giảm thấp, trong khi đáy ao thiếu ôxy hòa tan nên bùn đáy ao sinh ra nhiều khí H2S và tính độc loại khí này cũng tăng cao. Sự thay đổi đột ngột các yếu tố thủy lý hóa nói trên làm cho tôm bị sốc nặng nên tôm co mình búng khỏi mặt nước rồi bị cong thân, đục cơ và rớt đáy chết.

Cách khắc phục

Để hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, người nuôi cần tăng cường chạy quạt, rút bỏ lớp nước mặt ngay trong khi mưa. Đối với ao nuôi tôm vùng đất phèn thì rút bỏ cả nước mặt và lớp nước đáy, đánh thêm vôi cho ao với liều lượng 10 kg/1.000 m3 nước ngay trong khi mưa lớn để tránh những biến động đột ngột về môi trường ảnh hưởng đến tôm nuôi. Ngoài ra, có thể tạt thêm xuống ao Vitamin C và khoáng tạt, đồng thời giảm hoặc ngưng cho tôm ăn trong và sau những cơn mưa lớn.

Những cơn mưa trái mùa thường xuất hiện đột ngột nên người nuôi tôm thường không có đủ dụng cụ, hóa chất cần thiết để xử lý ngay môi trường ao tôm. Để môi trường nước luôn ổn định, tránh bất lợi cho tôm nuôi trước những cơn mưa lớn trái mùa, người nuôi tôm cần phải chủ động dự trữ vôi, hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước. Ở vùng đất phèn, cần rải vôi quanh bờ ao để phòng phèn bị rửa trôi xuống ao tôm trong những cơn mưa lớn trái mùa.

Đồng thời, người nuôi tôm nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý hóa nước ao tôm và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất vào thức ăn tôm nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, chống chịu thời tiết bất thường. Thường xuyên kiểm tra ao nuôi sẽ kịp thời phát hiện diễn biến mầm bệnh, nhất là vào những ngày mưa to kéo dài, nhiệt độ tăng cao.

Thời tiết dự báo diễn biến phức tạp với sự xuất hiện những cơn mưa trái mùa hay chuyển mùa. Người nuôi cần theo dõi dự báo thời tiết; từ đó chủ động ứng phó, có giải pháp phòng tránh thiệt hại.


Có thể bạn quan tâm

Giảm thiệt hại cho tôm trong nắng nóng Giảm thiệt hại cho tôm trong nắng nóng

Để hạn chế thiệt hại cho tôm trong mùa nắng nóng, người nuôi tôm cần theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi, nhất là phải chọn giống tốt, cải tạo ao nuôi kỹ

06/11/2019
Nuôi tôm thích ứng biến đổi khí hậu Nuôi tôm thích ứng biến đổi khí hậu

Nắng nóng, bão lũ, hạn hán kéo dài, đặc biệt là gia tăng nhiệt độ và thay đổi lượng mưa, tác động tiêu cực đến nguồn nước và sức khỏe tôm nuôi, gây dịch bệnh

06/11/2019
Làm giàu với Cá dĩa niềm đam mê Làm giàu với Cá dĩa niềm đam mê

Từ niềm đam mê cá cảnh, anh Huỳnh Tuấn Thanh (sinh năm 1984) ở Củ Chi, TP.HCM đã gầy dựng trại nuôi cá dĩa mang tên “Cá dĩa niềm đam mê”, tạo thu nhập hàng tỷ

06/11/2019