Hà Tĩnh: Cấp bách phòng trừ sâu bệnh
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo bổ cứu sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới.
Bệnh đạo ôn cổ bông “ăn” hơn 10 vạn tấn thóc vụ xuân 2017 là bài học đắt giá cho Hà Tĩnh trong công tác phòng chống dịch bệnh
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, tình hình dịch bệnh trên vụ lúa xuân 2018 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Theo đó, giai đoạn đạo ôn lá, bệnh phát sinh gây hại trên diện tích hơn 2.054ha; tập trung ở huyện Cẩm Xuyên (1.167ha); Đức Thọ (550ha); Can Lộc (102ha); Vũ Quang (53,5ha)...; có 0,5ha bị cháy dưới dạng chòm, khóm.
Ngành chức năng đã hướng dẫn người dân tập trung thực hiện các giải pháp phòng trừ các vết bệnh đạo ôn lá phần lớn chuyển sang mãn tính, các vết bệnh cấp tính xuất hiện rải rác trên giống P6, Xi23, XT28, VTNA2. “Mặc dù đã kiểm soát được đạo ôn lá, song nguồn bệnh trên đồng ruộng và ký chủ phụ đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch đạo ôn cổ bông khi gặp thời tiết thuận lợi giai đoạn trổ”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cảnh báo.
Để tránh lặp lại kịch bản “bão” đạo ôn cổ bông như vụ xuân 2017, ngành chuyên môn Hà Tĩnh khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra, rà soát diện tích còn xuất hiện vết bệnh cấp tính để tập trung xử lý dứt điểm đạo ôn lá. Theo dõi diễn biến tình hình sinh trưởng và điều kiện thời tiết để thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.
Trước mắt, cung cấp đủ nước tạo điều kiện cho lúa làm đòng, căn cứ tình hình sinh trưởng của từng trà lúa để tiến hành bón đón đòng với lượng phân bón khoảng 4 – 5kg kaliclorua, 1 – 3kg đạm ure/sào tùy thuộc vào thực tế trên đồng ruộng.
Đối với diện tích vừa qua nhiễm đạo ôn lá cần khoanh vùng, cắm vè và phun thuốc phòng đạo ôn cổ bông theo nguyên tắc “4 đúng”; thời gian phun lần 1 khi lúa trổ vè, phun lại lần 2 khi lúa đã trổ thoát bằng các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn như: Ninja 35SE, Filia 525SC, Fuji one, Ka-Bum 800WP, Beam 75WP, Kabim 30WP... Đồng thời, theo dõi chặt chẽ thời tiết giai đoạn lúa đòng già, trổ vè, soát xét những diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông để quyết định số diện tích cần phun phòng đảm bảo sản xuất hiệu quả, an toàn.
Ngoài bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại, hiện có hơn 1.000ha lúa nhiễm bệnh đốm nâu. Tỷ lệ nhiễm trung bình 5 – 10%, nơi cao 15 – 20%, cục bộ một số diện tích nhiễm nặng đến 90%.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng, đại dịch đạo ôn cổ bông vụ lúa xuân 2017 là bài học sâu sắc, cay đắng cho ngành NN-PTNT và cho cả hệ thống chính trị. Thời điểm đó, đạo ôn lá cũng chỉ hơn 2.000ha nhưng chỉ trong thời gian ngắn diện tích nhiễm đạo ôn cổ bông lên đến hơn 20.000ha, nông dân mất hơn 10 vạn tấn thóc. “Đến bây giờ việc rút bài học nguyên nhân, trách nhiệm vẫn chưa xong. Chúng ta đã và đang khắc phục các hạn chế, tuy nhiên để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, ngành NN-PTNT và các địa phương không được lơ là, chỉ đạo kiểu quan liêu; cán bộ kỹ thuật, cán bộ xã, huyện phải nắm được thời gian trỗ từng giống; khu vực có nguy cơ là “ổ” bệnh đạo ôn cổ bông để hướng dẫn cụ thể cho nông dân phun phòng trừ.
Ngoài ra, theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến thời tiết, độ ẩm, sương mù trong ngày, tốc độ gió để khuyến cáo bà con phun đúng kỹ thuật, tránh tình trạng dự báo chung chung bắt nông dân phải phun đi phun lại nhiều lần, vừa tốn kém vừa không hiệu quả”, ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Để giúp tăng hiệu quả kinh tế cho mô hình trồng gấc của bà con nông dân, CTY CP nông nghiệp Đông Phương khuyến cáo áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng gấc
Nông dân Thành phố Tây Ninh tích cực áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại lợi nhuận cao.
Vợ chồng ông Đỗ Xuân Sơn ở đội 4, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, đã gần 60 tuổi, nhưng vẫn thu đều 40 triệu đồng mỗi tháng, nhờ chăn nuôi ngan Pháp.