Gỗ Việt sắp có giấy thông hành tiến thẳng vào EU
“Với “giấy thông hành" này, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế gỗ EU; thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vừa cho biết như vậy tại buổi lễ công bố chung kết thúc cơ bản đàm phám Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức sáng nay (18.11) tại Hà Nội.
Trong ảnh Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và ông Karmenu Vella, Cao ủy về Môi trường, các vấn đề về hàng hải và thủy sản, Ủy ban châu Âu phát biểu tại buổi lễ.
Hiệp định VPA/FLEGT nhằm đảm bảo tính hợp pháp của tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu, góp phần phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển một cách bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu quốc tế, đặc biệt là thị trường EU, nâng cao thương hiệu ngành chế biến gỗ của Việt Nam.
Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu của EU về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung.
Phát biểu lại lễ công bố, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau khi hệ thống VNTLAS được vận hành một cách đầy đủ sẽ góp phần quan trọng đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp xuất khẩu vào EU thông qua giấy phép FLEGT.
Toàn cảnh buổi lễ công bố chung kết thúc cơ bản đàm phám Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)
"Hiệp định VPA/FLEGT được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là hai bên vừa kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA. Sau khi được triển khai hoàn toàn, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ góp phần thúc đẩy sự tin cậy vào tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam không những tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, mang lại các lợi ích lớn hơn về kinh tế, môi trường và xã hội" – ông Cường nói.
Về phần mình, ông Karmenu Vella, Cao ủy về Môi trường, các vấn đề về hàng hải và thủy sản, Ủy ban châu Âu cho biết: "Việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU góp phần đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Đây là thời khắc lịch sử và là một dấu ấn mới trong việc hợp tác giữa hai bên".
Năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt hơn 7,1 tỉ USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Có thể bạn quan tâm
Hoa lily là loài hoa đẹp, có màu sắc đa dạng phong phú, được phát triển trong những năm gần đây, nhanh chóng trở thành loại hoa được mọi người ưa chuộng
Chuyển đổi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nông dân xã Yên Thái, huyện Yên Mô (Ninh Bình) giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cao
Hàng trăm mặt hàng nông sản từ Trung Quốc vào Việt Nam hưởng thuế suất nhập khẩu 0% từ năm 2018, đang làm dấy lên lo ngại về việc gia tăng áp lực cạnh tranh