Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giúp vốn để nông dân thêm nhàn, thêm lãi

Giúp vốn để nông dân thêm nhàn, thêm lãi
Tác giả: Thu Hà
Ngày đăng: 24/12/2016

Với 200 triệu đồng đầu tư từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hộ dân trồng rau an toàn (RAT) ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đã có điều kiện mua thêm giống rau, đầu tư hệ thống tưới nước, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lãi...

Trong ảnh: Từ ngày có hệ thống đường ống dẫn tưới nước, ông Nguyễn Văn Sơn tiết kiệm hẳn chi phí nhân công lao động chăm sóc rau. Ảnh: T.H

Giảm tiền đầu tư, giảm cả sức người

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Thành – Chủ tịch Hội ND xã Quang Minh chia sẻ: “Nghề trồng rau đã có ở địa phương từ lâu. Hiện, toàn xã có hơn 60ha RAT, trong đó tập trung ở thôn 4 với 38ha. Tuy nghề trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nhiều hộ còn gặp khó khăn về vốn khi muốn mở rộng diện tích hoặc đầu tư máy móc, thiết bị. Do đó, trồng RAT ở Quang Minh vẫn đến chưa chuyên nghiệp…”.

“Tôi đã dùng vốn Quỹ HTND đầu tư làm đường dẫn nước tưới rau. Từ ngày có đường ống tưới này, nhà tôi làm RAT nhàn hẳn. Thay vì cần đến 3 người để tưới rau như trước đây, giờ chỉ cần mình tôi tưới mà vẫn khỏe…”. Ông Nguyễn Văn Sơn

Để hỗ trợ bà con, tháng 11.2016, Hội ND huyện Hải Hà phối hợp Hội ND xã Quảng Minh giải ngân 200 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND của huyện cho 5 hộ dân ở thôn 4 thực hiện dự án trồng RAT. Thời gian thực hiện 24 tháng.

Chỉ ruộng rau xanh mướt, ông Nguyễn Văn Sơn vui vẻ kể: “Trước đây, gia đình tôi nhiều năm lận đận với cây lúa do đất nhiễm mặn, phèn, năng suất thấp khiến thu nhập thấp. Nhiều năm nay, từ các thửa ruộng kém hiệu quả đó, tôi chuyển đổi phần lớn sang trồng RAT. Thu nhập của gia đình tôi khá hơn hẳn bởi trồng rau cho thu nhập cao gấp 3 lần lúa”.

Được Quỹ HTND cho vay 40 triệu đồng, ông Sơn đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước để chủ động cho việc tưới RAT. “Từ ngày có đường ống tưới này, nhà tôi làm RAT nhàn hẳn. Thay vì cần đến 3 người để tưới rau như trước đây, giờ chỉ cần mình tôi tưới mà vẫn khỏe…” - ông Sơn khoe.

Điểm đáng chú ý, ông Sơn đã xây dựng được mô hình khép kín từ trồng rau – nuôi lợn, giảm thiểu chi phí đầu vào. Với việc trồng 1 mẫu RAT, nuôi 50 con lợn thịt/lứa, 2 lứa lợn/năm, thu nhập sau khi đã trừ chi phí của gia đình ông Sơn lên đến cả trăm triệu đồng.

Rau an toàn đắt hàng

Cũng được Quỹ HTND cho vay 40 triệu đồng, bà Lưu Thị Dịu cùng thôn 4 phấn khởi nói: “Nhà tôi có 8 sào trồng rau, mùa nào thức nấy. Mùa đông thì có su hào, cải bắp, súp lơ…Do trồng bán vào dịp Tết, nên những giống rau này khá đắt đỏ. Mỗi khi đến vụ rau, tôi thường chạy vạy tiền mua giống cho kịp thời vụ. Được Quỹ HTND cho vay vốn, tôi có điều kiện mua các giống rau chất lượng và hiện đang phát triển tốt”.

Theo các hộ trồng RAT xã Quang Minh, nhờ thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật trồng RAT từ làm đất, chăm bón, cách sử dụng các loại thuốc BVTV và thời gian cách ly, nên sản phẩm RAT được khách hàng ưa chuộng. Thương lái đánh xe ôtô đến tận ruộng mua rau.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND, ông Trần Văn Thành-Chủ tịch Hội ND xã Quang Minh khẳng định: “Đến nay, 100% các hộ vay vốn Quỹ HTND đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả từ đồng vốn được vay. Qua thực tế tôi thấy, vốn Quỹ HTND không đơn thuần chỉ là kênh tín dụng mà còn “gánh vác” cả vai trò của khuyến nông, tổ chức nông dân liên kết sản xuất, hình thành vùng nông sản tập trung...”


Có thể bạn quan tâm

Lúa giống xác nhận giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận Lúa giống xác nhận giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Giống lúa xác nhận, có khả năng kháng bệnh và cho năng suất cao, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho người dân.

23/12/2016
Rau sạch được gắn mã vạch Rau sạch được gắn mã vạch

Nhiều nhà vườn tại các huyện ngoại thành thành phố cũng đã rục rịch thực hiện “truy xuất nguồn gốc” để có sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

23/12/2016
Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt mua gỗ cao su Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt mua gỗ cao su

Theo các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ trong nước, DN Trung Quốc đang tràn sang thu mua mua và kiểm soát tới 80% gỗ cao su tại Tây Nguyên.

24/12/2016