Giống ngỗng xám khổng lồ
Trong khi ngỗng sư tử của Việt Nam hay ngỗng trắng cân nặng chỉ 3 - 4kg/con thì ngỗng xám có trọng lượng lớn nhất trong các giống ngỗng hiện nay khi lên tới 6 - 7kg/con ở tuổi trưởng thành.
Ngỗng xám là giống vật nuôi mới được Bộ NN-PTNT vừa công nhận chính thức.
Trước năm 1998 Việt Nam từng có dự án nghiên cứu, sản xuất giống ngỗng để xuất khẩu sang các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Tuy nhiên, do thị trường và thu nhập ngày bấy giờ chưa có nhu cầu cao về thịt ngỗng nên bẵng đi một thời gian con ngỗng tại Việt Nam bị mai một.
Bên cạnh đó, do Việt Nam, nhất là khu vực miền Nam gần với xích đạo, trong khi loài ngỗng phù hợp với khí hậu ôn đới mát mẻ nên các cơ sở làm giống không thực sự mặn mà trong việc nhân nuôi loài thủy cầm này bởi tỷ lệ đẻ thấp, hiệu quả kinh tế chưa thực sự hấp dẫn.
Tuy nhiên, nhờ thành tựu của di truyền giống, sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại với sự ra đời của hệ thống chuồng lạnh, chuồng kín nên năm 2017 Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuổi) bắt tay vào nghiên cứu, khôi phục chọn tạo lại giống ngỗng xám.
Giống ngỗng xám có thể nuôi chăn thả, bán hoang dã hay nuôi nhốt trong chuồng kín đều được.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, giống ngỗng xám có ưu điểm sức sống tốt, nguồn thức ăn đơn giản như cỏ, thóc hay thức ăn công nghiệp. Ngỗng xám có thể nuôi được cả bán chăn thả hoang dã hoặc nuôi chuồng kín, chuồng lạnh ngỗng đều thích nghi tốt. Thịt ngỗng thơm ngon, đậm, mềm, dễ ăn, chế biến được nhiều món nên thời gian gần đây rất được nhà hàng và người tiêu dùng ưa chuộng.
“Giống ngỗng xám thương phẩm hiện nuôi 63 - 70 ngày sẽ đủ tuổi trưởng thành xuất bán với trọng lượng 5,5 - 6kg/con. Tỷ lệ tiêu tốn thức ăn của ngỗng xám khoảng 3,7kg thức ăn/kg tăng trọng. Với giá bán khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg hiện nay, mỗi con ngỗng người chăn nuôi có thể lãi từ 200.000 - 250.000 đồng”, ông Nguyễn Văn Duy chia sẻ.
Với ngỗng xám bố mẹ, ông Nguyễn Văn Duy cho biết, nuôi từ lúc 1 ngày tuổi đến 30 - 31 tuần ngỗng sẽ đẻ. Mỗi chu kỳ đẻ của ngỗng xám kéo dài khoảng 5 tháng, từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau với sản lượng trứng dao động 36 - 40 quả/chu kỳ.
Hiện điểm yếu của giống ngỗng xám là tỷ lệ đẻ và tỷ lệ ấp nở còn thấp so với các giống thủy cầm khác.
Tỷ lệ ấp nở của ngỗng so với vịt gà thấp hơn khá nhiều khi chỉ đạt khoảng 70%, thời gian khai thác ngỗng bố mẹ kéo dài được khoảng 4 - 5 năm. Ngỗng thương phẩm thời gian ấp nở 32 ngày, ít hơn ngan lai vịt 3 ngày và nhiều hơn vịt 4 ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, điểm yếu lớn nhất của giống ngỗng xám hiện nay là do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ nên tỷ lệ đẻ còn thấp, chỉ đạt 29% nên giá thành còn tương đối cao.
Do đó, thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên sẽ đưa vào áp dụng đề tài mô hình nuôi ngỗng xám trong chuồng lạnh, điều chỉnh các điều kiện thức ăn, ngoại cảnh cho phù hợp và tốt nhất để nâng tỷ lệ đẻ của ngỗng xám lên 50 - 60% và tỷ lệ ấp nở từ 70% lên trên 90%.
Ngỗng xám là giống vật nuôi mới giúp bà con nông dân thay thế hiệu quả con lợn trong cơn bão dịch tả heo Châu Phi
Nếu đề án này thành công sẽ giúp hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của ngỗng xám so với các giống gia cầm, thủy cầm khác nhằm ạo ra một sản phẩm chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, có điều kiện, cơ hội phát triển bền vững giúp người nông dân bớt khó khăn trong bối cảnh vẫn phải tiếp tục sống chung với dịch tả lợn Châu Phi.
Ngày 18/9/2019, Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 3616/QĐ-BNN-CN công nhận 17 giống vật nuôi mới, trong đó có giống ngỗng xám của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên.
Hiện Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên có khả năng sản xuất và cung ứng 7.000 - 8.000 ngỗng xám bố mẹ và 5.000 - 6.000 ngỗng thương phẩm mỗi năm với giá bán 110.000 đồng/con thương phẩm và 150.000 đồng/con ngỗng xám bố mẹ.
Có thể bạn quan tâm
Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả lại thiếu nước
Gà mái được nuôi mỗi năm đẻ trứng để làm thực phẩm cho con người và đa phần nuôi theo hình thức công nghiệp trong những chiếc lồng chật hẹp
Mô hình trên được áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật mới, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ vi sinh và phân bón sinh học, thuốc trừ sâu bệnh sinh học