Giống lúa nếp thơm ngắn ngày N31 đươc phép sản xuất thử
Giống nếp thơm ngắn ngày N31 do PGS.TS Lê Quốc Thanh, TS. Nguyễn Văn Vương, ThS. Nguyễn Xuân Dũng, ThS. Nguyễn Thị Sen, ThS. Mai Thị Hương và các cộng sự Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chọn tạo, đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử.
Đặc điểm chính: Thời gian sinh trưởng vụ xuân 130 - 135 ngày, vụ mùa 110 - 115 ngày. Dạng hình cây gọn, thân to khỏe, cứng, đẻ nhánh trung bình, nhánh to, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao. Lá to xanh, khả năng sinh trưởng phát triển tốt. Giống có độ thuần cao. Kháng tốt với rầy nâu. Nhiễm nhẹ khô vằn, bạc lá, đạo ôn. Chống đổ tốt hơn nếp BM9603 (tương đương với nếp N97).
Bông to dài 22 - 25cm. Số hạt chắc/bông lớn (175 - 185 hạt). Năng suất bình quân đạt 50 - 55 tạ/ha trong vụ Mùa, 60 - 65 tạ/ha vụ Xuân, thâm canh tốt có thể đạt 70 tạ/ha. Tỷ lệ gạo xát cao. Chất lượng gạo tốt, hàm lượng amyloza 4,1%, xôi dẻo, thơm và ngon.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
Giống lúa nếp N31 có thể bổ sung vào cơ cấu 2 vụ xuân, mùa trong năm. Thích hợp gieo cấy trên các chân ruộng vàn, vàn cao. Vụ xuân gieo mạ dược từ 20/1 - 5/2, cấy mạ đạt 4 - 5 lá tuổi. Vụ mùa gieo mạ từ 5/6 - 25/6, cấy mạ 12 - 15 ngày tuổi. Mật độ cấy 45 - 50 khóm/m2. Cấy nông tay 2 - 3 dảnh/khóm. Có thể gieo mạ sân hoặc gieo thẳng từ 1 - 10/2 (vụ xuân) và 15 - 25/6 (vụ mùa).
Lượng giống gieo (cấy 1ha) là: Mạ dược 60 - 65kg. Mạ sân 40 - 45kg. Gieo thẳng 30 - 35kg. Chú ý phun thuốc diệt cỏ sau gieo 2 - 3 ngày.
Phân bón (cho 1ha): vụ xuân bón 1.000kg phân hữu cơ vi sinh + 220kg đạm Urê + 560kg Lân supe + 200kg Kali clorua, vụ mùa bón 1.000kg phân hữu cơ vi sinh + 200kg đạm Urê + 560kg Lân supe + 200kg Kali Clorua. Bón lót toàn bộ phân lân, phân hữu cơ vi sinh + 40% lượng đạm Urê và 50% lượng kali. Bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh) 50% lượng đạm Urê. Bón thúc lần 2 (khi lúa kết thúc đẻ nhánh) 10% lượng đạm Urê và 50% lượng kali.
Nếu sử dụng NPK tổng hợp thì bón lót trước khi cấy 20%, bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh) 40%. Lần 2 (sau cấy 17 - 25 ngày), bón hết số phân còn lại.
Lưu ý: Chỉ nên bón thúc trong khoảng thời gian 20 - 25 ngày kể từ khi gieo cấy xong, sau gieo cấy 25 ngày không nên bón phân nữa, chỉ có thể bón kali đón đòng để hạn chế sâu bệnh.
Tưới nước: Duy trì mực nước ruộng sâu 3 - 5cm cho tới khi lúa kết thúc đẻ nhánh thì rút nước phơi ruộng 5 - 7 ngày, sau đó tưới giữ đủ nước trong ruộng suốt thời kỳ lúa làm đòng, trỗ bông và vào chắc. Trước thu hoạch lúa 7 - 10 ngày rút nước phơi ruộng, để rễ lúa ăn sâu, tăng chất lượng gạo, thuận tiện cho thu hoạch bằng máy.
Quản lý dịch hại theo phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM). Coi trọng bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên trong quần thể ruộng lúa. Chỉ sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật khi mật độ, tỷ lệ sâu bệnh cao, có nguy cơ gây hại lớn, dễ phát sinh thành dịch. Tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng (đúng thuốc, đúng cánh, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng).
Các địa phương đã áp dụng thành công: Giống nếp thơm N31 được sản xuất thương phẩm đạt hiệu quả cao, tại hầu hết tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc.
Có thể bạn quan tâm
Thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh xen canh cây mãng cầu... của ông Đoàn Công Lý gây ấn tượng với mọi người vì sự tốt tươi của cả cây trồng và những thảm cỏ xanh
Với ý chí, khao khát làm giàu, chàng trai trẻ Vũ Chí Linh, thôn Bình Sơn Tây, xã Bình Dương (Đông Triều) đã vươn lên làm giàu bằng nghề nuôi thỏ.
Khởi nghiệp với mô hình nuôi chồn hương đã đem đến cho anh Trần Văn Long (ấp Phước Chí A, xã Bình Phước- Mang Thít) lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.