Giống lúa M1-NĐ ghi điểm vụ mùa 2015 chen chân vào tỉnh khó
Bởi lãnh đạo ngành nông nghiệp Hưng Yên “soi” rất kỹ, nhất là giống mới. Hơn nữa nông dân cũng rất kén, nên giống không ngon họ kiên quyết không cấy.
Ân Thi là huyện thuần nông của tỉnh Hưng Yên, SX nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững. Vì vậy, giải pháp tối ưu là phải kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng SX tập trung, áp dụng tiến bộ KHKT...
Ruộng lúa gieo cấy giống M1- NĐ tại xã Hạ Lễ sắp đến ngày thu hoạch.
Chương trình “Cánh đồng lớn” do Bộ NN-PTNT phát động đã đáp ứng được những mong đợi của các địa phương, trong đó có huyện Ân Thi. Cánh đồng lớn yêu cầu SX lúa tập trung, cấy cùng trà, cùng giống và cùng phương thức gieo cấy, có hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ…
Ngay từ đầu Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, Trạm Khuyến nông huyện Ân Thi đã chọn xã Hạ Lễ để triển khai mô hình cánh đồng lớn với tiêu chí gọn vùng, gọn thửa, tưới tiêu dễ, tiện đường giao thông…
Mô hình với diện tích 5 ha, cấy giống lúa M1-NĐ của Cty TNHH Cường Tân (Nam Định). Trước khi triển khai, các đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với HTXNN Hạ Lễ chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện gieo cấy, bón phân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn...
Thâm canh lúa, nhất là những giống lúa chất lượng cao là cách duy nhất nâng cao thu nhập, giá trị kinh tế trên một diện tích đất nông nghiệp có hạn như Hạ Lễ. Người dân hồ hởi bắt tay vào triển khai mô hình.
Nhưng vẫn có không ít “điều ong tiếng ve”, sự lo lắng khi M1-NĐ là giống lúa thuần còn khá mới mẻ, lần đầu tiên đưa về địa phương gieo cấy. Thậm chí chủ nhiệm HTX, ông Hoàng Văn Mai còn phải hứa trước dân: "Nếu hỏng tôi vác thóc trong nhà ra đền".
Quy trình gieo cấy được tập huấn nhuần nhuyễn như cháo chảy. Lượng giống 60 kg/ha, làm mạ dày xúc, mật độ cấy 40 khóm/m2 (2 - 3 dảnh/ khóm), phân bón 1 sào gồm đạm 6 - 8 kg + super lân 20 kg + kali 5 kg.
Được khuyến cáo, M1-NĐ phàm ăn, đẻ nhánh khỏe nên các hộ đều gia tăng lượng phân bón so với giống Bắc thơm 7, đặc biệt ngoài các lượt bón lót, bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh) thì bón thúc lần 2 trước khi trỗ 18 - 20 ngày là yêu cầu bắt buộc. Vì khi đó cây lúa cần một lượng dinh dưỡng rất lớn để nuôi cây, dưỡng đòng, chờ ngày “nở nhụy khai hoa”.
Người nông dẫn muôn đời vẫn vậy. Cắm cây lúa xuống đất ngày nào, là gánh lo lắng trong người ngày đó. Đầu vụ, thời tiết thích hợp cho cây mạ sinh trưởng và phát triển tốt. Nhưng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, bỗng nắng nóng bất thường, mưa ít nên ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây lúa.
Đúng lúc lúa trỗ và phơi màu gặp nóng cộng gió to khiến quá trình thụ phấn không trọn vẹn, nguy cơ tăng tỷ lệ hát lép lửng, tạo mảnh đất màu mỡ cho sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.
Nhiều người bắt đầu dao động. Chủ nhiệm HTX Hoàng Văn Mai đi ra đường đã ngài ngại khi lời xì xào to nhỏ và những ánh mắt nghi ngờ ném về phía ông. Mới là mô hình mà làm tới 5 ha, lại là giống mới toanh, trong khi các "đại lão" Q5, Khang dân 18, Bắc thơm 7 đã có thâm niên ở Hạ Lễ mà vẫn có năm sâu bệnh bạc trắng cả cánh đồng.
Qua thành công của giống M1- NĐ, Sở NN-PTNT Hưng Yên kiến nghị UBND tỉnh tạo hành lang pháp lý thuận lợi, có cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân đẩy mạnh việc xây dựng cánh đồng lớn SX lúa hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Được biết, hiện giống lúa này đã lan rộng ra các huyện Phù Cừ, Kim Động, Khoái Châu...
Có người nói, ông Mai phen này không khéo bị anh lính mới M1-NĐ đánh gục chức Chủ nhiệm chứ chẳng chơi. Máy điện thoại của ông Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân cũng nóng dần với cái nóng trong lòng người dân Hạ Lễ.
Làm giống là vậy. Vốn đã quen chịu đựng với những cuộc điện thoại kiểu ấy, ông Sáu thuyết phục bà con cứ yên tâm. Hiểu rõ giống lúa này, ông Sáu có niềm tin chắc chắn, M1-NĐ chưa bao giờ gục ngã. Lội ruộng khắp miền Bắc vào miền Trung, M1-NĐ và ông Sáu như đôi bạn đồng hành, ông hiểu tính nết của đứa “con cưng”.
Tại Thanh Hóa, thời tiết còn cực đoan hơn nhiều mà giống vẫn trụ vững. Trong “đại gia đình” Cường Tân, ngoài những giống lúa đàn anh đàn chị TH 3-3, TH 3-7, CT16.. thì M1-NĐ còn chân ướt chân ráo nhưng ông Sáu vẫn đặt trọn niềm tin ở nó.
Quả đúng như vậy. Như một bức tường thành, M1-NĐ tỏ rõ là một giống lúa có khả năng chống chịu tốt với nắng nóng, sạch bệnh, chống đổ tốt, có tỷ lệ hạt chắc, số dảnh hữu hiệu cao. Những ngày này về Hạ Lễ mới thấy hết niềm vui sướng của nông dân thôn 3.
5 ha cấy M1- NĐ trải dài dưới cái nắng vàng như đổ mật giữa thu, phẳng lạt không một gợn nhỏ. M1-NĐ đã ra quả ngọt.
Qua theo dõi, giống lúa M1-NĐ có TGST 107 ngày, tức ngắn hơn các giống khác từ 5 - 7 ngày, một điểm cộng cho những chân ruộng cấy giống này muốn làm cây vụ đông. Vạch từng gốc lúa, những cán bộ Trung tấm Khuyến nông Hưng Yên tỏ rõ sự hài lòng khi M1-NĐ có kiểu cây gọn, lá đứng, góc lá hẹp.
Đặc biệt nhờ độ thuần cao, trỗ thoát tốt nên số bông hữu hiệu, số hạt chắc/bông cao, năng suất dự kiến đạt 68,2 tạ/ha, một mức năng suất lý tưởng ở vụ mùa. Khả năng chống chịu một số loại sâu bệnh chính- với sâu đục thân, rầy nâu, sâu cuốn lá, bạc lá không nhiễm hoặc nhiễm nhẹ, chỉ có bệnh khô vằn nhiễm trung bình.
Kết quả thu được từ mô hình cho thấy việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu đã nhận được sự đồng thuận cao. Ngoài hiệu quả kinh tế, thông qua thực hiện cánh đồng lớn đã tăng mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà, góp phần giảm công lao động, giảm áp lực nhân công mỗi khi vào vụ SX và thu hoạch, nâng cao nhận thức của nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Hỗ trợ nông dân (ND) thuộc Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã phát huy được hiệu quả hoạt động, góp phần giúp ND phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Qua sách, báo và các phương tiện truyền thông, anh Bùi Trọng Vinh ở xóm Quang Nhân, xã Quang Thành, huyện Yên Thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi rắn hổ trâu, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, phát triển kinh tế gia đình, các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn khép kín đang được các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An áp dụng.
Ngọc nuôi cấy từ trai nước ngọt ở Ninh Bình có độ dày, rất tròn, kích cỡ to, màu sắc bóng đẹp cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi 1 ha nuôi trai lấy ngọc cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nông dân dễ dàng kiếm tiền tỷ mỗi năm.
Gần 20 năm qua, ngựa bạch trở thành con vật mũi nhọn trong chăn nuôi, mang lại đời sống giàu sang cho nhiều hộ dân xóm Phẩm. Đường làng Phẩm được bê tông hóa sạch đẹp. Cổng làng Phẩm được xây hoành tráng với tên làng ghi rõ: Làng nghề chăn nuôi và sản xuất các sản phẩm...