Giống lúa chất lượng QNg6
Nhằm có thêm bộ giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành chọn tạo, khảo nghiệm giống lúa QNg6 cho kết quả rất tốt.
Giống lúa QNg6 có năng suất cao, chất lượng gạo tốt
Ông Đỗ Đức Sáu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi cho biết: QNg6 là giống lúa thuần do Trung tâm chọn lọc từ tổ hợp MNR4 (OM11270)/Hương Cốm theo phương pháp chọn lọc cá thể phân ly qua các thế hệ. Với nguồn gốc vật liệu lai tạo có những đặc tính nổi trội tốt của giống Hương Cốm như gạo tốt, cơm thơm ngon, của giống MNR4 có tính chống chịu sâu bệnh và thời tiết...
Sau khi lai tạo, chọn lọc, những năm qua giống lúa thuần QNg6 được đưa vào hệ thống khảo nghiệm quốc gia, khảo nghiệm DUS, khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất tại các vùng sinh thái khác nhau trong các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên.
Đến nay giống lúa QNg6 đã thực hiện 29 lượt khảo nghiệm với tổng diện tích 36,15ha. Cụ thể tại Quảng Ngãi thực hiện 12 mô hình với diện tích 22,2ha; Tại Bình Định thực hiện 5 mô hình với diện tích 6,8ha; Tại Phú Yên thực hiện 4 mô hình với diện tích 3,85ha; Tại Quảng Nam thực hiện 4 mô hình tại với diện tích 2ha; Tại Gia Lai thực hiện 2 mô với quy mô 1,1ha; Tại Đắk Lắk thực hiện 2 mô hình với quy mô 0,2ha.
Theo đánh giá của các đơn vị khảo nghiệm và sản xuất thử tại nghiệm tại các địa phương cho thấy, giống lúa QNg6 đã thể hiện được nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Giống có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung ngày, trong vụ ĐX từ 109 – 116 ngày, ngắn hơn giống đối chứng HT1 từ 4 - 5 ngày; trong vụ HT từ 97 – 117 ngày, tương đương với giống đối chứng HT1; chiều cao cây trung bình từ 87,1 – 93,8 cm trong vụ ĐX và 91,8- 112,4 cm trong vụ HT, thuộc dạng hình thấp. Độ dài giai đoạn trỗ, độ cứng cây, độ tàn lá và độ rụng hạt ở mức khá, giống có độ thuần đồng ruộng cao ở tất cả các vụ khảo nghiệm và thoát cổ bông hoàn toàn.
Giống QNg6 chống chịu khá với bệnh đạo ôn, vừa với rầy nâu, nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh hại chính như sâu đục thân, sâu cuốn lá. Số bông đạt từ 272 – 328 bông/m2, số hạt/bông từ 129,4 – 158,7 hạt/bông; Giống có tỷ lệ lép thấp, trung bình trong vụ ĐX từ 8,8 - 17,7%, thấp hơn giống đối chứng từ 4,1 - 15,1%; trong vụ HT từ 14,8 – 18,9%. Khối lượng 1.000 hạt từ 25 - 28 gram, năng suất trung bình tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong vụ ĐX đạt 72 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng 7,3 tạ/ha, trong vụ HT đạt 64,3 tạ/ha cao hơn giống đối chứng 6,4 tạ/ha. Giống QNg6 có dạng hạt gạo dài, có màu trắng ngà, độ bền gel cao, hàm lượng amilose thấp.
Điểm nổi bật trong phẩm chất lúa gạo là có tỷ lệ gạo lật đạt 80,3%, tỷ lệ gạo xát trắng đạt 76,3%, cơm có mùi thơm.
"Qua sản xuất thử nghiệm tại các địa phương miền Trung, Tây Nguyên, giống lúa mới QNg6 đã thể hiện nhiều ưu điểm về năng suất và chất lượng gạo được các địa phương đánh giá cao. QNg6 đã được Sở KH-CN tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài chọn tạo giống lúa mới có chất lượng cao cho Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung. Để sớm đưa giống vào sản xuất hiện chúng tôi đang làm thủ tục đề nghị Cục Trồng trọt cho sản xuất thử trong khu vực", ông Đỗ Đức Sáu.
Có thể bạn quan tâm
Lúa bị lùn sọc đen (LSĐ) là do virus. Đây là bệnh rất nguy hiểm hiện chưa có thuốc trừ, hàng nghìn ha lúa đã bị nhiễm loại bệnh này
Vụ mùa 2018 thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ đã làm một số ruộng của bà con nông dân bị nhiễm nhiều đối tượng sâu bệnh hại như sâu đục thân
Lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma, lúa trời, lúa hoang) có tên khoa học là Oryza Rufipogon. Lúa ma đã từng gặp ở Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam