Giống lúa chất lượng An Sinh 1399
Năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương là những nhận định của các đại biểu tại buổi tham quan đầu bờ giống lúa An Sinh 1399 tại xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận do Cty CP Giống cây trồng Nha Hố tổ chức.
Giống lúa An Sinh 1399 SX tại Nha Hố vụ HT 2018 cho năng suất 7,1 tấn/ha
Cánh đồng lúa rộng 8,5ha được các hộ dân thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn SX giống lúa An Sinh 1399 đều tăm tắp, những bông lúa trĩu hạt, ai thăm đồng cũng tấm tắc khen ngợi.
Ông Nguyễn Đăng Phương, Phó TGĐ Cty CP Giống cây trồng Nha Hố cho biết: "Hiện giống lúa có chất lượng gạo khá ngon được người nông dân các tỉnh Nam Trung Bộ và một số vùng tại Tây Nguyên canh tác, là ML 48. Tuy nhiên giống lúa này được đưa vào SX đã lâu, dần bị thoái hóa, đặc biệt là nhiễm rầy nâu rất nặng, làm tăng chi phí SX và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Do đó, việc nghiên cứu, chọn tạo ra giống lúa mới có nhiều đặc tính tốt có thể dần thay thế được ML 48 là điều mong mỏi của ngành chức năng cũng như bà con nông dân trong vùng.
Yêu cầu đầu tiên của Cty chúng tôi khi đưa một giống lúa có thể thay thế ML 48 phải đáp ứng được tiêu chí năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon. Giống An Sinh 1399 đáp ứng được các tiêu chí trên và trở thành giống chủ lực trong cơ cấu giống của các tỉnh Nam Trung Bộ".
Anh Phạm Văn Hợi ở thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn đã SX giống lúa An Sinh 1399 qua 5 vụ liên tiếp, cho biết: "Vụ hè thu năm nay thời tiết bất thuận, nắng nóng kéo dài nhưng lúa vẫn phát triển tốt, hơn hẳn giống ML 48 và các giống khác. Qua theo dõi tôi thấy An Sinh 1399 chịu nóng khá tốt, cứng cây. Vụ hè thu có thời gian sinh trưởng 93 - 95 ngày phù hợp cho canh tác 3 vụ/năm.
Mặc dù gặp mưa dông nhưng không bị đổ ngã, chiều cao trung bình từ 98 - 102cm, ít nhiễm sâu bệnh nhất là bệnh đạo ôn và rầy nâu. Cả vụ chỉ phải phun thuốc 3 lần, trong khi các hộ khác trồng ML 48 phải phun đến 6 lần.
Năng suất lúa An Sinh 1399 đạt 7,1 tấn/ha. Màu sắc hạt vàng óng, độ thuần cao. Giá bán luôn cao hơn thị trường trên 200 đồng/kg. Vi thế hiệu quả cao hơn hẳn các giống lúa khác mà tôi đã từng SX. Sau khi trừ hết chi phí còn lãi trên 19 triệu đồng/ha, trong khi đó các hộ khác trồng ML 48 chỉ lãi 10,8 triệu đồng/ha. Trong vụ ĐX An Sinh 1399 cho năng suất rất cao, luôn đạt trên 8 tấn/ha".
TS Lưu Văn Quỳnh, Viện KHKT Nông nghiệp duyên Hải Nam Trung Bộ cho biết: Giống lúa An Sinh 1399 được chọn tạo từ tổ hợp lai OM6916/ĐV108/OMCS98, mang tất cả đặc tính tốt của các giống trên như cứng cây, ngắn ngày, cơm dẻo, có mùi thơm nhẹ, chống chịu sâu bệnh hại… Đây là tâm huyết mà cả viện chúng tôi cũng như Cty CP Giống cây trồng Nha Hố (đơn vị nhận chuyển giao bản quyền) rất mong đợi để người nông dân có thêm cơ hội cho lựa chọn, hướng đến thay thế các giống đã thoái hóa và nhiễm bệnh.
Theo ông Quỳnh, lúa An Sinh1399 có thời gian sinh trưởng vụ ĐX từ 100 - 105 ngày, vụ hè thu 95 - 98 ngày thích hợp cho vùng trồng 3 vụ/năm, chiều cao 100 - 105cm, khả năng đẻ nhánh 6 - 7 nhánh/cây, số lượng bông đạt từ 250 - 300/m2, số hạt chắc trên bông 110 - 125 hạt, khối lượng 1.000 hạt từ 23 - 24gr, tỷ lệ gạo lứt đạt 80,4% trong vụ ĐX và 75,6% vụ HT. Năng suất bình quân vụ ĐX từ 7 - 8 tấn/ha canh tác tốt có thể đạt 10 tấn/ha, vụ HT 6 - 7 tấn/ha, kháng rầy và bệnh đạo ôn. Canh tác được các vụ trong năm và thích hợp với các vùng sinh thái.
Giống lúa An Sinh 1399 được SX tại nhiều địa phương và cho năng suất cao, ổn định. Tại Đăk Lăk đạt 9,5 tấn/ha, tại Long An vụ ĐX vừa qua đạt 10 tấn/ha, Bình Định đạt 7,5 tấn/ha, Quảng Ngãi 7,82 tấn/ha, Phú Yên 8,15 tấn/ha, Ninh Thuận đạt 7,1 tấn/ha. Tháng 1/2018 giống lúa An Sinh 1399 đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược để thay thế kháng sinh trong chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gà nói riêng là giải pháp kỹ thuật nhằm kích thích
Bệnh vàng lá gân xanh (VLGX), bệnh vàng lá – thối rễ và bệnh “vàng đầu” là 3 loại bệnh phổ biến gây ra triệu chứng vàng lá trên cây có múi ở ĐBSCL
Dù không cho bất cứ bằng chuyên môn nào nhưng với niềm say mê cơ khí, nông dân Đỗ Đức Quang đã có gần 50 năm nghiên cứu sáng chế ra các chiếc máy nông nghiệp